Xuất bản thông tin
Tận dụng thời gian nông nhàn, người dân thôn Quý , xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà , tỉnh Hà Tĩnh không chỉ khôi phục được nghề truyền thống - nghề đan lát của ông cha mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập.
Về thôn Quý, xã Thạch Liên được nghe các cụ cao tuổi kể, nghề đan lát ở đây có từ lâu đời. Khi các cụ còn là những đứa trẻ, đã từng theo ông bà, cha mẹ tập đan. Đan rổ, rá, thúng, mủng, dần, sàng, bu gà, giỏ ... Nhưng rồi, sự xuất hiện của các loại đồ nhựa mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng đã làm các sản phẩm đan lát truyền thống nên làng nghề cũng mai một.
Tuy vậy, một số vật dụng phục vụ sản xuất cho bà con nông dân như các loại thúng mủng dần sàng … thì không gì có thể thay thế được tre đan. Vì thế, những lúc nông nhàn bà con vẫn thường tự làm những sản phẩm truyền thống này.
Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới với mục tiêu củng cố nghề truyền thông của làng quê, được sự khuyến kích của chính quyền địa phương, một số thành viên trong thôn đầu tư tìm hướng mới cho nghề truyền thống này. Đặc biệt anh Nguyễn Văn Tý - Thôn Quý, xã Thạch Liên đã thành lập HTX Tre đan Hoàng Phương vào năm 2016.
Anh Tý, chia sẻ: “Sau nhiều chuyến tìm hiểu thị trường và đầu ra sản phẩm, chúng tôi thấy rằng làng nghề bánh đa, bánh đa nem, bánh để làm cu đơ ... trên địa bàn Hà Tĩnh ngày càng nở rộ nhưng thị trường cung cấp liếp phơi bánh còn ít, nhiều hộ sản xuất phải mua sản phẩm này ở các huyện, các tỉnh khác. Vì thế, tôi đã quyết định sản xuất sản phẩm chính của HTX là liếp phơi bánh”.
Ông Nguyễn Văn Tý kiểm tra sản phẩm trước khi giao hàng
Nguyên liệu ban đầu là tre, nứa, luồng ... được HTX thu mua về, xử lý mọt bằng cách ngâm vào dung dịch nước muối loãng trong vòng 1 tháng. Sau đó được chẻ, cắt, vót, tách bỏ ruột thành các kích thước khác nhau tùy vào đơn hàng. Tất cả các công đoạn này trước đây được người dân thực hiện thủ công. Năm 2018, HTX đầu tư 200 triệu đồng mua 6 máy bao gồm máy chẻ, máy vót, máy cắt, máy bóc tách ... từ đó tăng hiệu suất lao động lên rất nhiều.
Nguyên liệu sau khi được xử lý, các thành viên trong HTX nhận về, tranh thủ lúc nhàn rỗi, đan thành các liếp, rồi nộp lại cho HTX. Từ đó HTX đưa ra thị trường. Trung bình mỗi người 1 ngày có thể đan được từ 15 - 20 liếp thu về 150 - 200 nghìn đồng/ngày.
Ông Nguyễn Đình Tường cho hay: Đan liếp rất dễ dàng, tận dụng thời gian rỗi của nghề nông, công việc không nặng nhọc, không tốn nhiều sức lao động, từ người trẻ cho đến người già 60 - 70 tuổi đều có thể làm được. Khi mới thành lập có 30 hộ tham gia HTX, hiện nay trong thôn đã có 80 hộ gia đình tham gia. Trong đó HTX Tre đan Hoàng Phương tạo công ăn việc làm cho 10 lao động thường xuyên.
Ông Phan Văn Tý, 75 tuổi cho biết: “Già rồi không còn làm được công việc nặng nên nghề tre đan hợp với chúng tôi. Khi mệt thì nghỉ, khỏe lại làm. Mỗi tháng cũng kiếm được 2,5 triệu đồng, cũng đủ trang trải cuộc sống cho 2 vợ chồng già”.
Sản phẩm của HTX Tre đan Hoàng Phương đã không chỉ đứng vững trên thị trường Hà Tĩnh mà còn mở rộng ra thị trường các tỉnh khác như Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Vũng Tàu. Với doanh thu trung bình mỗi năm hơn 800 trăm triệu đồng, thị trường đầu ra ổn định, HTX tre đan Hoàng Phương không chỉ tăng thu nhập cho người dân trong vùng mà còn góp phần khôi phục nghề truyền thống của địa phương.
Hà Trần
Trung Tâm Khuyến nông Hà Tĩnh