Xuất bản thông tin
Thành công bước đầu của mô hình trồng cây sâm bố chính khi trồng trên những diện tích đất màu bỏ hoang tại xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) sẽ mở ra triển vọng mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế cao cho người dân Hà Tĩnh.
Sâm bố chính (hay còn gọi là sâm tiến vua)là loại sâm quý của Việt Nam với nhiều công dụng chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Với giá thành không quá đắt mà hiệu quả đem lại vẫn cao, đây được coi là loại sâm quý phù hợp với nhiều đối tượng người dùng.
Tại Hà Tĩnh, những năm gần đây, người dân một số xã đã trồng thử nghiệm loài thảo dược này nhưng chỉ với quy mô nhỏ lẻ, chưa có sự đánh giá bài bản về tính thích nghi, tiềm năng phát triển hay hiệu quả kinh tế.
H1- Sâm bố chính thích nghi, phát triển tốt trên đất màu pha cát tại xã Thạch Khê
Với mục tiêu mở ra cơ hội mới cho người nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang cây đa mục tiêu, phát huy hiệu quả kinh tế, tháng 12/2023, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Hà Tĩnh phối hợp Công ty TNHH Bio Green STC (viết tắt Công ty STC) triển khai mô hình trồng thử nghiệm cây sâm bố chính tại xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà. Quy mô thực hiện 1 ha; tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng; thời gian thực hiện trong 2 năm.
Quá trình lựa chọn địa điểm triển khai mô hình, nhận thấy, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà có diện tích đất canh tác lớn, đất cao, tầng canh tác dày có khả năng giữ và thoát nước tốt nên rất thuận lợi cho cây sâm sinh trưởng, phát triển đạt năng suất, chất lượng. Cùng với đó, việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế và đầu ra ổn định cũng nằm trong quy hoạch phát triển nông nghiệp của địa phương nên khi triển khai mô hình khá thuận lợi.
H2- Mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật
`Sau khi thực hiện các bước về thủ tục hành chính, Công ty STC bắt tay xây dựng nhà quản lý, hệ thống tưới tứ động phun sương. Đến đầu tháng 1/2024 tiến hành xuống giống vụ đầu tiên. Mô hình trồng sâm bố chính sử dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường như: tưới tự động, sử dụng phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học..
Anh Phan Nhân Trí, Phó Giám đốc Công ty STC cho biết: Để triển khai mô hình này, chúng tôi đã tích tụ diện tích 1ha đất màu bỏ hoang của gần 20 hộ dân ở thôn Phúc Thanh, xã Thạch Khê để trồng sâm bố chính. Toàn bộ giống, khoa học kỹ thuật và một phần phân bón được Sở KH-CN Hà Tĩnh hố trợ.
Để trồng sâm, công ty đã sử dụng các phương pháp như gieo trực tiếp giống cây vào đất và ủ giống cây trong bầu một thời gian rồi mới mang ra gieo trực tiếp. Trong quá trình chăm sóc thường xuyên phải chú ý đến các yếu tố như nguồn nước đảm bảo, tưới đủ ẩm trong thời gian mới trồng; làm cỏ sau bón thúc phân chuồng đã ủ ở giai đoạn cây sắp đẻ nhánh; thường xuyên thăm đồng nhằm phát hiện các loại sâu ăn lá và côn trùng gây hại để có biện pháp xử lý kịp thời.
H3- Sâm bố chính đang bước vào vụ thu hoạch
Sau 6 tháng trồng và chăm sóc, cây sâm bố chính phát triển tốt, thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, đặc biệt là chất đất thịt pha cát. Cây sâm được sản xuất theo quy trình GAP nên hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, toàn bộ diện tích đang cho thu hoạch.
Sâm bố chính ước đạt trọng lượng hơn 100g/củ, nhiều củ khá to, đạt trọng lượng khoảng 160g/củ. Tổng sản lượng sâm dự kiến thu được của mô hình đạt 4-5 tấn. Giá bán dao động từ 200.000 đồng/kg. Với mức giá bán hiện tại, sau khi đã trừ các chí phí, 1 ha sâm bố chính của anh Trí có lãi gần 200 triệu đồng. Hiện Công ty STC đã ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Đầu tư Nông nghiệp & Dược liệu S555 từ khâu mua hạt giống để ươm cây con đến hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm củ sâm bố chính.
“Theo lộ trình, kết thúc thu hoạch vụ đầu tiên, tháng 12/2024 chúng tôi sẽ xuống giống vụ thứ 2 để khẳng định tính thích nghi, hiệu quả kinh tế và tiềm năng nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh. Về lâu dài, Công ty STC sẽ cùng với Công ty TNHH đầu tư nông nghiệp & dược liệu S555 trực tiếp sản xuất cây giống để cung cấp cho các vùng nuôi trồng cây dược liệu; chuyển giao công nghệ sản xuất cây giống, nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và chế biến dược liệu an toàn cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu”, anh Phan Nhân Trí thông tin.
Mục tiêu cuối cùng mô hình hướng đến của mô hình là mở rộng sản xuất ra các hộ dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc ký kết hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật và liên kết bao tiêu sản phẩm, góp phần đưa cây dược liệu có giá trị kinh tế cao vào thay thế các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp.
Khi tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn về sâm bố chính sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại các vùng nông thôn, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người nông dân./.
Nguyễn Hoàn