Navigation Menu

Xuất bản thông tin

angle-left Trồng mía trên đất chuyển đổi, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Từ đất trồng lúa, màu kém hiệu quả, gia đình anh chị Lê Duy Hải, Lê Thị Cảnh ở thôn Thượng Nguyên, xã Thạch Kênh (Thạch Hà - Hà Tĩnh) đã chuyển sang trồng mía, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Là một gia đình thuần nông, sinh sống trên vùng đất canh tác lúa nước là chủ yếu tại xã Thạch Kênh - huyện Thạch Hà, năm 2013, gia đình thuê 2,5 ha đất ven sông của xã để trồng lúa, khoai, lạc …. Do đất ở đây là đất sét lại nhiễm phèn nên công sức bỏ ra nhiều mà hiệu quả không đáng là bao. Băn khoăn chưa biết tìm hướng sản xuất nào mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Anh Hải chợt nghĩ đến, trước đây, người dân quê anh có truyền thống trồng mía trên đất phèn. Tuy nhiên cùng đòi hỏi nhiều công sức mà đầu ra không ổn định, nên diện tích trồng mía hàng hóa tại địa phương hầu như không còn. Năm 2015, anh chị bắt đầu tìm hiểu, trồng thử 5 sào cây mía đường, cho thấy có hiệu quả. Từ đó gia đình anh chị quyết định phủ kín cây mía toàn bộ gần 2,5 ha đất này.

Trên gương mặt ướt đẫm mồ hôi, hướng dẫn người làm thu hoạch mía, chị Cảnh vui vẻ chia sẻ: Cây mía tương đối dễ trồng, những vụ mía ban đầu, chúng tôi mua giống mía ngoài Thanh Hóa do người quen giới thiệu, sau đó thì tự để giống mía để trồng cho vụ sau.

Tước bỏ lá mía thường xuyên tăng năng suất và chất lượng cây mía

Cây mía bắt đầu được trồng từ tháng 9 - 10, khi thời tiết tương đối mát mẻ. Mỗi vụ trồng mía cho thu hoạch vào 2 đợt ở năm sau. Một đợt từ tháng 5 -  6 và một đợt từ tháng 7 - 8. Trong quá trình thu hoạch đợt 1 thì cứ chọn thu những cây mía to, đẹp thu hoạch trước. Còn khi thu hoạch đợt 2 thì thường chặt sát gốc hết toàn bộ cây. Sau đó kiểm tra, lựa chọn những gốc mía tốt, tiếp tục chăm sóc cho năm sau thu hoạch. Còn những gốc mía đã qua 2 vụ, hiệu quả kém tiến hành đào bỏ và trồng những hom giống mới. Những hom giống này được lựa chọn từ những cây mía to, khỏe của vụ trước.

Mía tương đối dễ trồng, ít sâu bệnh, nhưng lại mất rất nhiều công sức. Trước đây gia đình chị Cảnh chủ yếu làm thủ công, nhưng hiện nay đã đầu từ một số máy móc trong khâu làm đất, vun xới nên mang lại hiệu quả cao. Trên cánh đồng mía nhà chị thường xuyên có 5 người chăm sóc mía, tước bỏ, thu gom lá mía già.

Ngoài trồng, bón phân, vun xới, làm cỏ … như những cây trồng khác. Cây mía cần thường xuyên được tước bỏ các lá già có tác dụng làm cho đồng ruộng luôn sạch sẽ, thông thoáng, tạo vi khí hậu thuận lợi cho sự phát triển của cây mía; Hạn chế các lá mía già không còn khả năng quang hợp nhưng lại tiêu thụ sản phẩm quang hợp của các lá xanh. Tập trung dinh dưỡng nuôi cây và nâng cao hiệu quả tích lũy đường của cây mía; Loại bỏ nơi cư trú thuận lợi, làm lộ thiên một số loài sâu hại như rệp sáp, bọ phấn trắng, sâu đục thân... cho côn trùng thiên địch tấn công tiêu diệt, từ đó làm giảm bớt mức độ gây hại của chúng, giúp tăng năng suất và chất lượng mía. Ngoài ra lá mía được thu gom lại ủ làm phân, tạo ra nguồn chất hữu cơ đáng kể, cung cấp dinh dưỡng trở lại cho cây mía và làm cho đất được tơi xốp hơn.

Mía nhà chị Cảnh trồng được nhập cho thương lái đi phân phối cho các cơ sở ép nước mía làm nước giải khát mùa hè khắp các huyện thị trong tỉnh như thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, huyện Đức Thọ, Can Lộc… và luôn được đánh giá  cao về độ thơm ngọt của mía.

Chị Cảnh cho hay: “Mía năm nay ít sâu bệnh, thời tiết nắng nhiều nên năng suất cao và rất ngọt. Hơn 1 tháng nay, chúng tôi tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Trong đó, 10 ngày nắng nóng cao điểm gần đây, mỗi ngày xuất bán được 2 - 2,5 tấn. Giá bán mía tươi tại ruộng hiện nay là 3 triệu đồng/tấn, thu về từ 6 - 7,5 triệu đồng”.

Với hơn 30 sào trồng mía, năng suất đạt khoảng 3 tấn/sào, vụ mía xuân hè 2020 này, sản lượng mía của gia đình chị Cảnh ước đạt 90 tấn, thu về 270 triệu đồng.

Không những trồng mía, gia đình chị Lê Thị Cảnh còn khai thác phụ phẩm từ mía để chăn nuôi lợn rừng. Sau khi thu hoạch lấy thân mía, phần ngọn mía được gom lại cho lợn ăn. Với 100 con lợn rừng, 1 năm cũng mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Ngoài ra, tận dụng mặt nước ao hồ và phần đất nhà trại, chị nuôi 500 con vịt trời, 500 con gà... Lượng phân thải ra từ gia súc, gia cần này được chị Cảnh thu gom, bón cho cây mía, tiết kiệm được nguồn phân bón đáng kể. Tổng thu nhập từ mô hình trang trại tổng hợp đem về cho gia đình chị Cảnh hơn 400 triệu đồng/năm. Mang lại việc làm thường xuyên cho 5 người dân trong thôn và hơn 10 người dân theo thời vụ.

Ông Nguyễn Thiện Chung - Chủ tịch UBND xã Thạch Kênh, nhận xét: Mô hình trồng mía, kết hợp chăn nuôi là một mô hình đáng để người dân trong xã học tập. Chính quyền xã khuyến khích nhân dân khôi phục nghề trồng mía truyền thống, đồng thời sản xuất ra mật mía, một sản phẩm không thể thiếu của người dân Hà Tĩnh./.

 

Minh Nguyệt - Trần Hà

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh