SẢN XUẤT VÀ THỊ TRƯỜNG
1. Tổng quan về RCEP
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership – viết tắt là RCEP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) ký giữa 10 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 05 nước đối tác bên ngoài ASEAN, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.
Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Mặc dù Ấn Độ đã thông báo rút khỏi Hiệp định RCEP vào tháng 11/2019, 15 nước thành viên vẫn thừa nhận vai trò thương mại chiến lược của Ấn Độ và vẫn để mở cho sự tham gia lại của Ấn Độ kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực.
Hiệp định này sẽ tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng (30% dân số thế giới), tương đương 26.200 tỷ USD (30% GDP toàn cầu), trở thành một trong những thỏa thuận tự do thương mại có quy mô lớn nhất trên thế giới.
RCEP là hiệp định thương mại tự do (“FTA”) thế hệ mới, bổ sung phạm vi áp dụng của các Hiệp định thương mại tự do ASEAN Cộng hiện hành.
Hiệp định bao gồm 20 chương, ngoài các điều khoản cam kết về cắt giảm thuế quan, thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại, Hiệp định còn bao gồm các cam kết “phi truyền thống” (so với các FTA đã ký kết giữa ASEAN và 05 quốc gia đối tác), như sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa,…
2. Quy tắc chung về thương mại hàng hóa
Gồm các quy định điều chỉnh thương mại trong lĩnh vực hàng hóa giữa các nước thành viên RCEP tương tự quy định quy định của WTO như:
- Đối xử quốc gia;
- Không áp dụng hạn chế số lượng xuất nhập khẩu;
- Nguyên tắc thực hiện lộ trình giảm thuế quan;
- Phí và phụ phí;
- Hàng hóa tạm nhập tái xuất, quá cảnh,...
3. Các cam kết về thuế quan trong RCEP
Cam kết về mức thuế quan ưu đãi khác biệt của mỗi nước được thể hiện trong các Biểu cam kết thuế quan khác biệt của nước đó tại Phụ lục I Văn kiện RCEP. Cụ thể:
- Với Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam: Mỗi nước có nhiều Biểu cam kết thuế quan (các Biểu này riêng rẽ, độc lập với nhau), trong đó 01 Biểu dành cho các nước ASEAN, và các Biểu thuế quan dành cho từng đối tác/nhóm đối tác còn lại;
- Riêng Philippines: Nước này có 01 Biểu cam kết thuế quan chung gồm tất cả các dòng thuế, với mỗi dòng thuế nếu không có ghi chú áp dụng riêng cho nước nào thì được hiểu là sẽ áp dụng chung cho tất cả các nước đối tác, còn nếu có ghi chú áp dụng riêng cho nước nào thì mức thuế quan ưu đãi cho hàng hóa thuộc dòng thuế đó từ nước đó sẽ phải xem tại Biểu thuế của Philippines dành cho nước đó (các Biểu riêng này chỉ bao gồm các dòng thuế ưu đãi áp dụng riêng cho nước đối tác liên quan).
4. Các cam kết về tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp
Hiệp định RCEP cũng bao gồm các cam kết về tạo thuận lợi thương mại và thực hiện thủ tục hải quan, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, cụ thể:
- Minh bạch và đơn giản hóa thủ tục hải quan: Công bố thông tin kịp thời trên mạng Internet; Đo và công bố kết quả của thời gian giải phóng hàng;….
- Áp dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ hoạt động hải quan dựa trên tiêu chuẩn được quốc tế chấp nhận để thông quan và giải phóng hàng nhanh chóng;
- Tạo thuận lợi thương mại cho “Doanh nghiệp ưu tiên” và cho phép đàm phán công nhận lẫn nhau về các chương trình “Doanh nghiệp ưu tiên”;
- RCEP tích hợp một số FTA mà ASEAN đã ký trước đó. Do đó, khi RCEP có hiệu lực, DN xuất khẩu có thể dùng chung một mẫu giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) thay vì từng mẫu C/O cho từng thị trường như hiện nay, giúp đơn giản thủ tục hơn cho DN.
- Quy định về khiếu nại và kháng nghị cho phép bất cứ cá nhân nào được cơ quan Hải quan ban hành quyết định hành chính, trong lãnh thổ của mình, có quyền khiếu nại và kháng nghị theo nguyên tắc không phân biệt đối xử.
5. Các nội dung chính về cam kết SPS trong Hiệp định RCEP
- Về cơ bản tuân thủ các nguyên tắc của Hiệp định SPS của WTO;
- Minh bạch và căn cứ cơ sở khoa học trong việc xây dựng và áp dụng các biện pháp SPS;
- Thúc đẩy hợp tác, nâng cao năng lực và tham vấn kỹ thuật nhằm giải quyết các vướng mắc về SPS;
- Không thuộc phạm vi điều chỉnh của cơ chế Giải quyết tranh chấp của Hiệp định RCEP nhưng sẽ rà soát lại sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực được 2 năm.
Lưu ý Doanh nghiệp
- Việc các Thỏa thuận quốc tế khác đã có giữa các nước thành viên RCEP có hiệu lực song song với RCEP đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng thoả thuận nào có lợi cho mình với cùng một vấn đề.
Ví dụ giữa Việt Nam và Nhật Bản có chung tới 4 FTA (ASEAN – Nhật Bản, Việt Nam – Nhật Bản, CPTPP, và RCEP), cả 4 FTA này sẽ có hiệu lực song song, đồng thời với nhau. Doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản hoặc nhập khẩu từ Nhật Bản về Việt Nam có thể lựa chọn áp dụng ưu đãi thuế quan theo FTA nào có lợi nhất cho mình theo yêu cầu về xuất xứ FTA thích hợp nhất với mình.
6. Quy định SPS của một số thị trường thành viên RCEP
Quy định kiểm dịch của Úc
- Là một quốc đảo có ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, các qui định kiểm dịch của Úc rất chặt chẽ.
Tất cả các loại thực vật nhập khẩu, cho dù tươi hoặc không, hoặc những phần của cây cối như quả, hạt, cành, củ… cũng như gỗ và tất cả những vật phẩm làm từ gỗ, tre… đều phải được kiểm dịch và phải chuyển đến cơ quan kiểm dịch thực vật. Những sản phẩm nhập khẩu bị phát hiện có nhiễm khuẩn sẽ phải được xử lý, tiêu hủy hoặc gửi trả lại bằng chi phí của chủ hàng. Một số loại cây cảnh, hạt, rau quả tươi, phải được cấp phép trước khi nhập khẩu.
- Đất bị cấm nhập khẩu vào Úc nên bất kỳ một sản phẩm nào bị phát hiện có đất sẽ bị cách ly kiểm dịch và được trả ra khi cơ quan kiểm dịch xác định rằng các nguy cơ đã được loại bỏ hoàn toàn.
- Những thay đổi đối với các quy định kiểm dịch do Bộ Nông nghiệp, Thuỷ sản và Lâm nghiệp (DAFF) của Úc thông báo tại chuyên mục Cảnh báo các điều kiện nhập khẩu liên quan đến an toàn sinh học trên trang web: ICON Query - Department of Agriculture, Fisheries and Forestry.
- Hệ thống cảnh báo các điều kiện nhập khẩu đăng tải các thông báo về những vấn đề hiện tại và những thay đổi lớn đối với các quy định về nhập khẩu. Hệ thống này bao gồm các điều kiện nhập khẩu đối với hơn 20.000 thực vật, động vật, vi khuẩn, khoáng sản và các sản phẩm từ con người. Các thông tin này thường xuyên được cập nhật.
RCEP và Hàn Quốc
- Về bảo vệ thực vật:
Các quy định cơ bản của Hàn Quốc bao gồm:
+ Luật Bảo vệ thực vật 2004
+ Những yêu cầu đối với việc nhập khẩu nông sản từ nước ngoài
+ Thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu
+ Danh mục rau quả tươi cần phải có giấy phép khi nhập khẩu vào Hàn Quốc
+ Những trường hợp cần phải kèm theo giấy chứng nhận KDTV của nước xuất khẩu khi nhập khẩu thực vật vào Hàn Quốc.
+ Danh mục hàng thực vật và sản phẩm thực vật cấm nhập khẩu vào Hàn Quốc
- Về an toàn thực phẩm:
Các Quy định về Luật Thực phẩm chính của Hàn Quốc bao gồm:
+ Luật Vệ Sinh Thực Phẩm (1962).
+ Luật về chế biến thịt và sản phẩm gia cầm (1962)
+ Luật về quản lý chất lượng Nông nghiệp / Thuỷ sản (1999)
+ Luật Sức khỏe và Thực phẩm chức năng (2002)
+ Luật cơ bản về An toàn thực phẩm (2008)
+ Luật vệ sinh thực phẩm gần đây đã được sửa đổi vào năm 2009.
- Về thú y:
Các quy định cơ bản của Hàn Quốc bao gồm:
+ Nghị định thực hiện Luật về phòng chống các bệnh lây của động vật;
+ Luật kiểm soát thức ăn vật nuôi và thuỷ sản 28/3/2001;
+ Luật về chăn nuôi động vật 29/1/1999;
+ Luật về chế biến sản phẩm động vật 13/12/1997;
+ Luật kiểm soát chất lượng các sản phẩm nông nghiệp 21/1/1999;
+ Luật Phòng chống các bệnh lây của động vật;
+ Nghị định thực hiện Luật về phòng chống các bệnh lây của động vật;
+ Luật bảo vệ động vật ngày 31/5/1991 bổ xung ngày 9/2/2004;
+ Luật vệ sinh thực phẩm ngày 10/5/1986 bổ xung ngày 31/3/2005;
+ Nghị định thực hiện Luật vệ sinh thực phẩm ngày 11/11/1986;
+ Luật kiểm soát chất lượng sản phẩm thuỷ sản ngày 29/1/1986 bổ sung.
RCEP và Nhật Bản
- Trong lĩnh vực thú y:
Các quy định cơ bản của Nhật Bản bao gồm:
+ Luật về Kiểm soát nội địa các các bệnh lây nhiễm trong động vật (sửa đổi 2004);
+ Luật sửa đổi một số phần của Luật Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản sô 78/1996;
+ Luật liên quan đến bảo vệ và kiểm soát động vật số 105/1973;
+ Lệnh của chính phủ đối với việc thực hiện Bảo vệ động vật hoang dã và săn bắn;
+ Luật Thuỷ sản cơ bản 2001;
+ Luật điều chỉnh hoá chất nông nghiệp số 82/1948;
+ Lệnh của chính phủ đối với việc thực hiện Luật điều chỉnh hoá chất nông nghiệp số 56 năm 1971;
+ Tiêu chuẩn đối với nhãn mác thực phẩm biến đổi gien;
+ Luật cơ bản về Thực phẩm, Nông nghiệp và Khu vực nông thôn số 106/1999 (sửa đổi 29/7/2005);
+ Luật bảo vệ và kiểm soát động vật số 105/1973;
+ Luật vệ sinh thực phẩm 1947;
+ Luật an toàn thực phẩm cơ bản số 48/2003;
+ Lệnh của Uỷ ban an toàn thực phẩm số 273/2003.
Quy trình xuất khẩu vào Nhật Bản
1. Cần nộp đơn xin nhập khẩu thực phẩm cho các trạm kiểm dịch nhập khẩu bởi một đơn vị nhập khẩu. Cung cấp thông tin chi tiết như là người giao hàng, đơn vị xuất khẩu, nhà chế biến, nhà sản xuất, thành phần của thực phẩm, sử dụng phụ gia, quá trình sản xuất,…
2. Cần phải có chứng chỉ vệ sinh thực phẩm do nước xuất khẩu cấp cho thịt, các sản phẩm từ thịt và cá Nóc.
3. Cần thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra trong cả hai khâu nhập khẩu và vào nội địa Nhật Bản.
- Cần thiết phải kiểm soát vệ sinh vào giai đoạn của chế biến trong nước, sản xuất, vận chuyển.
- Tăng cường kiểm tra, đặc biệt là dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh.
4. Cần được thông qua chỉ bởi kết quả kiểm tra của phòng thí nghiệm quốc gia, Cơ quan đăng ký và kiểm tra, các phòng thí nghiệm chính thức nước ngoài được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi chấp nhận.
Liệt kê các phòng thí nghiệm chính thức nước ngoài
5. Tất cả các kết quả kiểm tra phải tuân thủ tiêu chuẩn GLP
- Không chỉ đạt theo tiêu chuẩn ISO17025, mà còn tuân thủ tiêu chuẩn GLP
- Kiểm soát hình thức lấy mẫu để kiểm nghiệm kết quả.
NHƯ QUỲNH - CHI CỤC QLCL NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN