CHUYÊN MỤC

SẢN XUẤT VÀ THỊ TRƯỜNG

angle-left Tiềm năng thị trường EVFTA

1. Hiệp định EVFTA

- Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) ký tại Hà Nội vào chiều ngày 30/6/2019, được Hội đồng châu Âu thông qua ngày  30/3/2020, có hiệu lực ngày 01/8/2020

- EVFTA là một Hiệp định: Toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho Việt Nam và EU, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

- Gồm 17 chương, 2 nghị định thư, 02 biên bản ghi nhớ và 04 Tuyên bố chung.

EVFTA giúp đa dạng hóa và tăng cơ hội tiếp cận thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản, những mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh (dệt may, da giày, gạo, đường, mật ong, rau củ quả, đồ gỗ,...), giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng...

2. Cam kết về thuế

- Cam kết của EU

Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

- Cam kết của Việt Nam

Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu).

Sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.

Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu).

Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

3. Tác động từ EVFTA

Thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Mức cam kết trong EVFTA là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. (Trước đó, chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Tạo cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường Việt Nam, đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU (dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng…)

Đảm bảo một môi trường kinh doanh và pháp lý ổn định, thông thoáng cho nhà đầu tư của cả hai bên nói chung và các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ EU nói riêng.

Nhà đầu tư EU có cơ hội tiếp cận thị trường các nước đã ký FTA với Việt Nam với những đối xử ưu đãi hơn, thúc đẩy quan hệ giữa EU với từng nước ASEAN và cả khối ASEAN, tạo tiền đề cho một FTA giữa EU và ASEAN.

Thông tin chung

EU là thị trường lớn thứ 3 với tỷ trọng XK dao động từ 11% - 19% tổng kim ngạch XKNS của Việt Nam và giá trị XK khoảng trên 3 tỷ USD/năm.

Việt Nam đã XKNS tới hầu hết thành viên của EU, trong đó thị trường XK tập trung chủ yếu vào một số nước gồm Đức, Hà Lan, Italia, Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp, Balan.

Hàng nông sản của Việt Nam chiếm 2,2% thị trường NK nông sản của EU. Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, kim ngạch XK nông sản của Việt Nam sang thị trường EU chỉ đạt 2,91 tỷ USD, giảm 4,7% so với năm 2019. Những sản phẩm XK chính sang EU bao gồm: cà phê, trái cây, hạt tiêu, hạt điều. Tỷ trọng XK của nhóm này chiếm hơn 80% kim ngạch XKNS của Việt Nam sang EU.

4. Dự báo nông sản nhập khẩu vào EU

- Cà phê: Là nhóm hàng nông sản có kim ngạch XK sang EU lớn nhất của Việt Nam, chiếm 8,5% tổng KNNK của EU và gần 40% lượng cà phê XK của Việt Nam. Giá trị XK cà phê XK sang EU dao động từ 1,0 - 1,5 tỉ USD/năm giai đoạn 2016 - 2020.

- Hạt tiêu: Kim ngạch NK của EU từ Việt Nam khoảng 40 nghìn tấn mỗi năm, chiếm 23% tổng lượng XK của Việt Nam và đáp ứng 53% nhu cầu của EU.

- Hạt điều: EU hiện nay là thị trường lớn thứ 2 của hạt điều Việt Nam, chiếm trên 23% trong tổng lượng và tổng kim ngạch. Kim ngạch XK hạt điều khá ổn định trong khoảng từ 700 - 900 triệu USD/năm. Năm 2020, KNXK đạt 112 tấn, tương đương 789 triệu USD, tăng 5,76% về lượng nhưng giảm 4,19% về giá trị so với năm 2019. Các quốc gia NK chính của VN là Hà Lan, Đức, Pháp.

- Rau quả: EU là thị trường XK lớn thứ tư của Việt Nam nhưng rau quả của Việt Nam cũng chỉ chiếm thị phần rất nhỏ (khoảng 1%) so với nhu cầu NK rau quả của EU. Rau quả Việt Nam chủ yếu XK sang EU ở dạng tươi và sơ chế. Trái cây là nhóm sản phẩm có kim ngạch cao XK nhất. Các mặt hàng chủ lực gồm: dứa, thanh long, cơ dừa, chôm chôm và xoài. Năm 2020, xuất khẩu rau quả sang thị trường EU đạt 876,2 triệu USD, giảm 3,8% so với 2019.

- Gạo: Gạo của Việt Nam đã thâm nhập được vào toàn bộ thị trường EU. Tuy nhiên, XK gạo sang EU chiếm tỷ trọng rất nhỏ (0,7%) trong tổng kim ngạch XKNS của Việt Nam sang EU. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang EU 66 nghìn tấn gạo, kim ngạch đạt 43,4 triệu Euro; trong khi EU NK tổng cộng khoảng 2,3 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 1,4 tỷ Euro. So với các nước ASEAN, XK gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 so với Thái Lan, bằng 1/10 Myamnar và bằng 1/4 Campuchia.

- Chè: EU 27 là thị trường NK chè lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, EU vẫn chỉ là thị trường tiềm năng và quan trọng của ngành Chè Việt Nam, bởi nhu cầu NK chè của EU 27 rất lớn, nhưng tỷ trọng NK từ Việt Nam vẫn còn rất thấp.

5. Khó khăn

Thứ nhất, hàng nông sản XK chưa đạt được sự đồng nhất về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật trong từng lô hàng, chưa đảm bảo các điều kiện về truy xuất nguồn gốc.

Thứ hai, khó khăn từ phía các DNXK trong việc tiếp cận thị trường nông sản EU.

Thứ ba, XKNS gặp trở ngại từ phía EU. EU là một thị trường khó tính, đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật. Vì vậy, các chính sách quản lý nông sản của EU nghiêm ngặt, đặc biệt các rào cản kỹ thuật của EU với nông sản thực phẩm có xu hướng ngày càng khắt khe hơn.

NHƯ QUỲNH - CHI CỤC QLCL NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN