资源发布器
Với mong muốn làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, nhiều hộ nông dân tại huyện Hương Sơn đã kiên trì, tích cực học hỏi và lập nghiệp thành công với mô hình trang trại tổng hợp. Trong đó phải kể đến gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Nga ở thôn Khe 5, xã Sơn Kim 1, Hương Sơn, Hà Tĩnh đã cải tạo khu rừng hoang thành trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Sinh năm 1962, bắt đầu sự nghiệp từ làm công nhân Lâm trường Hương Sơn,nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn, hai vợ chồng bà Nga luôn cần cù, chịu khó vừa làm tốt công việc vừa tích luỹ để xây dựng cuộc sống. Tuy nhiên, cuộc sống vất vả vẫn luôn đè nặng lên đôi vai 2 vợ chồng trẻ khi lương công nhân không đủ trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học. Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, bàn bạc, hai vợ chồng quyết định bỏ công nhân ra làm ăn riêng và cơ hội đến khi vào đầu năm 2002, vợ chồng ông được Lâm trường Hương Sơn chuyển nhượng 25 ha đất rừng với số tiền 120 triệu đồng, đồng thời nhận khoán bảo vệ 150 ha rừng tại xã Sơn Kim 1 và Sơn Tây. Khi đã có đất, gia đình bà bắt đầu lên phương án trồng cây gì, nuôi con gì và thiết kế các lô, khoảnh phù hợp với từng loại cây, con. Cuối năm 2002, gia đình bà vay ngân hàng 150 triệu đồng cùng với số vốn sẵn có và sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè thuê máy móc và nhân công khai hoang trại, đào bỏ cây dại, lên lô và thuê người trồng keo, cây ăn quả, đào ao thả cá, mua gà, vịt, trâu bò về chăn thả... theo hình thức lấy ngắn nuôi dài. Mặc dù sống, làm việc ở nơi này nhiều năm nhưng khi bắt tay xây dựng mô hình kinh tế, vợ chồng bà gặp không ít khó khăn như trang trại ở xa, muốn vào trại phải đi bộ mất nửa ngày, hết sức vất vả trong việc vận chuyển nguyên vật liệu, vật tư, đặc biệt là kinh phí đầu tư. Dù vậy, vợ chồng bà xác định muốn thành công thì phải cần cù, chịu khó, bỏ công bỏ sức mới mong làm nên chuyện, cùng với sự tự tin vào khả năng bám trụ và mong muốn biến khu rừng vắng bóng người thành một trang trại trù phú đã giúp gia đình bà Nga đạt được những kết quả khả quan, các loại cây trồng vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt và ngày càng sinh sôi, nảy nở.
Chia sẽ với chúng tôi bà Nga nhớ lại, khi mọi việc đang trên đà thuận lợi thì trận lũ lịch sử năm 2010 ập đến khiến 5 tấn cá các loại sắp đến mùa thu hoạch cùng đàn gia súc hơn 10 con, đàn gà, vịt trôi theo dòng nước lũ, thiệt hại ước tính lên đến hàng trăm triệu đồng. Nước lũ rút, vợ chồng bà lại bắt tay làm lại từ cải tạo lại vườn cây ăn quả, ao hồ và tiếp tục mua cá, gà, vịt, trâu bò về thả. Chính nhờ sự kiên trì, nhẫn nại mà cuối cùng gia đình bà Nga đã vực lại được trang trại của mình.
Cũng theo bà Nga, lựa chọn phát triển trang trại theo hình thức đa cây, đa con, gia đình bà đã tính toán rất kỹ lưỡng khi làm theo mô hình VAC khép kín, chất thải chăn nuôi sẽ tận dụng làm phân bón cho cây trồng, cỏ trong vườn làm thức ăn nuôi cá, nước trong ao sẽ được sử dụng tưới cho cây. Với hình thức này, gia đình bà đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí và không phải áp lực về đầu ra sản phẩm.
Sau hơn 20 năm nếm mật nằm gai, kiên trì bám trụ với ý chí thoát nghèo vươn lên làm giàu và sự giúp đỡ của cán bộ kỹ thuật xã, huyện, của chính quyền các cấp mà gia đình bà Nga đã có cơ ngơi như ngày hôm nay, hiện tại trang trại của bà Nga có 20 ha keo sắp đến mùa thu hoạch, đàn trâu bò gần 40 con, 7 con lợn rừng, hàng trăm con gà, vịt, 6 ao cá gồm các loại cá chim trắng, cá chép, trôi, mè... với tổng diện tích hơn 3.000m2, 300 cây bưởi, 100 cây cam bù, chanh, ổi... ngoài ra, gia đình bà còn nhận khoán bảo vệ 150ha rừng. Theo nhẩm tính, trung bình mỗi năm trang trại mang lại nguồn thu nhập hơn 500 triệu đồng và tạo thêm việc làm thường xuyên cho 10 lao động, lúc thời vụ có thể lên đến 30 người. Với kết quả đó, nhiều năm liền, gia đình bà Nga được vinh danh là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, năm 2023, tại hội nghị tổng kết các phong trào thi đua giai đoạn 2018 - 2023 do Hội Người cao tuổi huyện Hương Sơn tổ chức, gia đình bà đã được trao giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi.
Thời gian tới gia đình bà sẽ đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trang trại của mình nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm như sản xuất đạt các chứng nhận, hạn chế sử dụng các loại phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật, tiến tới xây dựng trang trại theo mô hình tuần hoàn khép kín vừa tận dụng các sản phẩm sẵn có để giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái như phân lợn được sử dụng làm thức ăn cho giun quế, giun quế thì làm thức ăn cho gà, vịt. Phân bò được sử dụng để bón cho cây ăn quả và trồng các loại cây làm thức ăn cho bò và lợn, cỏ trong vườn được sử dụng để nuôi cá.
Mạnh dạn đầu tư làm nông nghiệp truyền thống một cách quy mô, tạo ra sản phẩm hàng hóa, những nông dân như bà Nga đã khai thác, phát huy tốt tiềm năng về điều kiện tự nhiên, phục vụ sản xuất hiệu quả, từ đó góp phần thúc đẩy, phát triển nông nghiệp khu vực nông thôn theo hướng đa dạng, bền vững hơn.
Đặng Thị Thuận