导航菜单

资源发布器

angle-left Người nông dân “dám nghĩ dám làm” để vươn lên làm giàu trên vùng đất khó

Đó là anh Nguyễn Văn Anh, sinh năm 1976 ở thôn Phú Đông, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình anh Anh là một trong những hộ nông dân đầu tiên dám nghĩ dám làm về phát triển kinh tế gia đình theo hướng trang trại ở dưới chân núi Bằng Sơn, xã Thạch Bằng trước đây (nay là thị trấn Lộc Hà).

         Anh Anh xuất thân trong một gia đình nông dân chất phát. Lớn lên, đến tuổi lập gia đình anh Anh cũng chỉ quanh quẩn với cây lúa, cây rau, không thoát khỏi cái nghèo vẫn đeo bám từ bao đời nay. Vợ chồng anh Anh đã trăn trở suy tính rất nhiều nhưng vẫn chưa biết làm thế nào để có thể đưa kinh tế gia đình mình phát triển lên được. Đúng vào thời điểm đó (năm 2011), UBND xã Thạch Bằng (nay là Thị trấn Lộc Hà) có chủ trương kêu gọi các hộ gia đình lên vùng đất đồi pha cát ở dưới chân núi Bằng Sơn xây dựng kinh tế. Ngay lập tức vợ chồng anh quyết định đăng ký cùng 9 hộ dân khác bắt đầu lên nhận đất khai hoang phục hóa, xây dựng các mô hình kinh tế nhằm mong từng bước thoát nghèo.

“Vạn sự khởi đầu nan”, cuộc sống khi mới lên vùng đất đồi rộng hơn 13 ha vốn bị bỏ hoang từ lâu này của gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Tất cả bắt đầu bằng con số không tròn trĩnh: Không đường, không điện, không chủ động được nguồn nước. Những ngày đầu vất vả và gian nan, đã có lúc anh định buông xuôi, quay trở lại nhà cũ sống cuộc sống đơn giản trước đây. Nhưng nhờ sợ tin tưởng của gia đình, sự động viên của chính quyền địa phương nên anh Anh lại quyết tâm ở lại để làm giàu cho chính mình và cho quê hương. Với tính cần cù, chịu khó, một nắng hai sương của một người nông dân thực thụ cùng với sự đồng sức đồng lòng của các hộ dân khi lên đây lập nghiệp, anh Nguyễn Văn Anh đã bắt tay ngay vào xây dựng cơ sở hạ tầng, vay vốn về đầu tư giải phóng mặt bằng, quy hoạch xây chuồng chăn nuôi, đào hồ thả cá,… không ngại khổ, ngại khó để biến từng diện tích bỏ hoang thành công trình sản xuất có giá trị. Nhờ biết chăm sóc cũng như đầu tư đúng hướng, đàn lợn, đàn gà nhà anh cứ phát triển và lớn nhanh, bán được giá. Với cách thức “lấy ngăn nuôi dài”, khi bán lứa gà này, anh lại góp vốn đầu tư mua thêm ít con lợn; khi bán được lứa lợn, anh lại góp vốn mua  con bò,… Cứ như thế,  năm nay qua năm khác anh vừa xoay vòng được đồng vốn lại vừa mở rộng phát triển được trang trại chăn nuôi của mình. Nhờ đó mà cuộc sống của anh ngày càng khấm khá hơn.

Gần 10 năm trôi qua, tích tiểu thành đại, giờ đây gia đình anh Anh đã có trang trại tổng hợp với tổng diện tích 24.000m2, quy mô 03 chuồng chăn nuôi gồm hơn 100 con lợn thịt, 9 con lợn nái, 20 con bò giống và sinh sản Ba Bê, 05 con trâu và gần 500 con gà thịt. Với hơn 03 cái hồ rộng 10.000 m2, được gia đình anh dùng để thả nuôi chủ yếu các loại cá trắm, trôi, chép. Thu nhập toàn trang trại trên 01 tỉ đồng/năm; trừ mọi khoản chi phí, bình quân mỗi năm đưa lại lợi nhuận cho gia đình anh Nguyễn Văn Anh hơn 200 triệu đồng. Ngoài sức lao động của 2 vợ chồng, trang trại của anh thường xuyên giúp giải quyết công ăn việc làm từ 4 – 6 lao động với mức lương từ 4 -5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Anh chăm sóc đàn lợn

Theo ông Võ Tá Bình – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lộc Hà - cho biết: “Trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Nguyễn Văn Anh hiện nay là mô hình điển hình trong toàn huyện về sự vượt khó, quyết tâm làm giàu trên vùng đất cát hoang hóa. Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc thăm quan, học hỏi kinh nghiệm cho người nông dân để nhân rộng. Từ mô hình của anh Anh đã khích lệ tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng cho rất nhiều nông dân trong huyện lộc Hà”.

Với đức tính không ngại khó, không ngại khổ cộng với quyết tâm cao trong hành trình làm giàu chính đáng, anh Nguyễn Văn Anh không chỉ biến vùng đất hoang hóa thành nơi có giá trị sản xuất lớn mà còn là tấm gương sáng về người nông dân điển hình đã và đang biến ước mơ làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất vốn khó nhọc của quê hương thành hiện thực.

 

Hoàng Thanh

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh