导航菜单

资源发布器

angle-left Tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển nông nghiệp hữu cơ, trong thời gian qua, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã chủ động triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hữu cơ và bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng; đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã hình thành 357,18 ha sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ trong đó: 277,93 ha lúa, 11,55ha rau, 67,3ha cây ăn quả, 0,4ha chè (trong đó có 70,8ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ); 19 mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ với quy mô 120 con nái, 2.400 con lợn thịt (18 mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ liên kết với Tập đoàn Quế Lâm; 01 Tổ hợp tác chăn nuôi lợn rừng tuần hoàn theo hướng hữu cơ). Tuy nhiên, phần lớn các mô hình còn nhỏ lẻ, manh mún, quy mô hộ gia đình, chưa xây dựng được chuỗi sản xuất – cung ứng thực phẩm an toàn bền vững, sản phẩm chưa được chứng nhận đạt chất lượng theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chưa đáp ứng với yêu cầu của thị trường.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tiến tới phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu của thị trường, cần quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Tổ chức tuyên truyền Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024-2030” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1216/QĐ-UBND ngày 15/5/2024 để làm chuyển biến căn bản nhận thức của cả hệ thống chính trị về nông nghiệp hữu cơ, nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về nông nghiệp hữu cơ, từng bước thay đổi nhận thức về sản xuất truyền thống, tiến đến nền nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, an toàn, bền vững, có lợi cho người sản xuất, doanh nghiệp và môi trường sinh thái.

          2. Tổ chức hướng dẫn thực thi các chính sách, pháp luật liên quan đến nông nghiệp hữu cơ để người dân, doanh nghiệp nắm bắt kịp thời và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, giám sát, chứng nhận nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, cụ thể: các quy định tại Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ; Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh; bộ tiêu chuẩn TCVN 11041 Nông nghiệp hữu cơ: Trồng trọt gồm các phần sau: TCVN 11041- 1:2017 (Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ); TCVN 11041-2:2017 (Trồng trọt hữu cơ); TCVN 11041-6:2018 (Chè hữu cơ); TCVN 11041-11:2023 (Nấm hữu cơ); TCVN 11041-12:2023 (Rau mầm hữu cơ); TCVN 11041-13:2023 (Trồng trọt hữu cơ trong nhà màng và trong thùng chứa); chăn nuôi quy định tại TCVN 11041-3:2017 (Chăn nuôi hữu cơ); nuôi trồng thủy sản  quy định tại TCVN11041- 8:2018 (Tôm hữu cơ); ngoài ra còn có các tiêu chuẩn về đất, nước và giới hạn cho phép theo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: QCVN 03- MT:2023/BTNMT về chất lượng đất; QCVN 08 MT:2023/BTNMT về chất lượng nước mặt; QCVN 09- MT:2023/BTNMT về chất lượng nước dưới đất.

3. Hàng năm chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn theo chuỗi giá trị để phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương; xác định rõ quy mô, đối tượng, vùng sản xuất để xây dựng và nhân rộng các mô hình hữu cơ theo lộ trình và mục tiêu của Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024-2030”.

4. Chủ động vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để tổ chức triển khai có hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại địa phương; ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương, thông qua chương trình, kế hoạch khuyến nông hàng năm và lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để xây dựng, nhân rộng các mô hình.

5. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất nông nghiệp hữu cơ đảm bảo đúng đối tượng, quy trình, tiêu chuẩn; kiểm soát chặt chẽ chất lượng các loại giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi,... phục vụ sản xuất hữu cơ trên địa bàn, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sản phẩm đã được chứng nhận theo quy định.

NHƯ QUỲNH - CHI CỤC QLCL NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN