Menu phải
Web Counter
资源发布器
Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước cấp thuộc Chương trình quan trắc nguồn nước cấp vùng nuôi tôm định kỳ tại Hà Tĩnh của Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc tại 3 vùng nuôi tôm tập trung: vùng nuôi Bình Hà- xã Hộ Độ- huyện Lộc Hà, vùng nuôi Kỳ Hà –TX Kỳ Anh, vùng nuôi tôm trên cát xã Xuân Phổ -huyện Nghi Xuân trong đợt 2 tháng 8 cụ thể như sau:
Nguồn nước cấp tại điểm quan trắc Kỳ Hà, Hộ Độ và Xuân Phổ có chỉ số chất lượng nước cho nuôi trồng thuỷ sản (AWQI) đạt mức rất tốt. Hầu hết các thông số quan trắc có giá trị phù hợp cho nuôi tôm nước lợ theo TCVN 13656:2023. Tuy nhiên, một số thông số có giá trị chưa phù hợp, cụ thể: Độ kiềm trong nước cấp ở cả 3 điểm quan trắc có giá trị thấp hơn ngưỡng giới hạn; độ mặn trong nước cấp tại Xuân Phổ có giá trị cao hơn ngưỡng giới hạn, mật độ Vibrio tổng số và Coliform tổng số trong nước cấp tại Hộ Độ cao hơn ngưỡng giới hạn. Phát hiện tảo Pseudo-nitzschia sp trong nước cấp tại Hộ Độ và Xuân Phổ tuy nhiên mật độ thấp. Không phát hiện vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus chủng gây bệnh hoại tử gan tụy cấp ở tôm (VpAHPND) trong nguồn nước cấp ở các điểm quan trắc.
Từ kết quả phân tích trên, Trung tâm Quan trắc Môi trường và bệnh Thủy sản miền Bắc đưa ra 1 số khuyến cáo sau:
Các cơ sở nuôi lấy nước qua túi lọc dày (đường kính lỗ lọc ≤200 µm) ở thời điểm đỉnh triều vào ao lắng/lọc.
Đối với nguồn nước tại Xuân Phổ và Kỳ Hà: Nâng độ kiềm trong nước lên khoảng giá trị phù hợp (100-200 mg/L) bằng vôi hoặc dolomite.
Đối với nguồn nước tại Hộ Độ: Sử dụng các hóa chất khử trùng được phép lưu hành trên thị trường với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất (Ví dụ: Chlorine 10-20 mg/L) để khử trùng nước, diệt khuẩn giảm mật độ Vibrio tổng số trong nước. Chạy quạt khí để tăng cường oxy hòa tan, loại bỏ hóa chất khử trùng trước khi cấp vào ao/bể nuôi.
Lưu ý: Giá trị độ mặn trong nước cấp tại Xuân Phổ cao, các cơ sở nuôi căn cứ độ mặn trong ao/bể nuôi để sử dụng lượng nước phù hợp tránh làm biến động lớn độ mặn trong ao/bể nuôi.
Cảnh báo thời tiết: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 22 – 24/8 tại khu vực phía Bắc xuất hiện thời tiết nắng nóng gay gắt vào ban ngày và mưa dông cục bộ vào buồi chiều và tối. Thời tiết biến động bất thường có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi, tăng nguy cơ nhiễm tác nhân gây bệnh. Các cơ sở nuôi cần có biện pháp sau để bảo vệ tôm nuôi:
- Duy trì mực nước trong ao tối thiểu từ 1,2 – 1,8 m để ổn định nhiệt độ nước ao nuôi. Chuẩn bị nước sạch trong ao lắng/lọc để cung cấp hoặc thay thế một phần nước ao nuôi khi cần.
- Tăng cường quạt nước vào thời điểm từ 10 – 18 h để tránh sự phân tầng nhiệt, tăng cường oxy hòa tan ở tầng đáy. Quạt khí vào ban đêm từ 2 h đêm đến 4 h sáng để tránh thiếu oxy hòa tan trong nước.
- Cho tôm ăn vào sáng sớm và chiều mát. Kiểm tra lượng thức ăn dư thừa và xi phông đáy để loại bỏ nguồn chất hữu cơ.
- Bổ sung Vitamin C, khoáng vi lượng, men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho tôm định kỳ 2 đợt/tháng, mỗi đợt cho ăn liên tục từ 5 – 7 ngày để tăng cường sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ.
- Sau mưa kiểm tra các thông số độ mặn, độ kiềm ao/bể nuôi để có biện pháp xử lý phù hợp./.
Trần Hương-Chi cục Thủy sản