Menu phải
Web Counter
Editor de continguts
Chuyển đổi số (Digital Transformation) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Thực hiện chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu, như nhiều ngành nghề kinh tế khác, nông nghiệp cũng không nằm ngoài quy luật tất yếu đó.
Để phát triển bền vững trong tương lai, nông nghiệp cần bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, chứ không dừng lại ở canh tác, sản xuất, kinh doanh theo phương thức truyền thống. Chuyển đổi số cần phải làm ngay nhưng cũng cần phải có lộ trình cụ thể, lâu dài. Được sự chỉ đạo trực tiếp từ đồng chí Đặng Ngọc Sơn - Phó chủ tịch UBND tỉnh, ngay sau khi Kế hoạch 393/KH-UBND về Chuyển đổi số của UBND tỉnh được ban hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bắt tay ngay vào thực hiện công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Đặng Ngọc Sơn cho biết: “Qua nhiều cuộc làm việc, Hà Tĩnh lựa chọn đối tượng chuyển đổ số bắt đầu từ cây ăn quả có múi và bưởi Phúc Trạch là đối tượng đầu tiên. Đây là sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao với nhiều tiềm năng, lợi thế đảm bảo sự thành công cho chương trình. Xác định ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một trong những bước đi quan trọng nhằm tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Thấu hiểu sự khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm của bà con khi đại dịch Covid 19 vẫn diễn biến phức tạp, mùa thu hoạch đại trà đã dần đến và mùa mưa lũ cũng cận kề, với niềm tin từ thành công trên sàn tương mại điện tử (TMĐT) của Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang).Vì vậy, Hà Tĩnh quyết tâm thực hiện chuyển đổi số và đưa sản phẩm cây ăn quả có múi (bưởi Phúc Trạch, cam chanh, cam bù) lên sàn TMĐT ngay trong vụ thu hoạch năm 2021”.
Trung tâm Khuyến nông được chỉ định là đầu mối, phối hợp cùng công ty Cổ phần iCheck và UBND huyện Hương Khê để triển khai thực hiện công tác chuyển đổi trong quản lý, sản xuất, kinh doanh bưởi Phúc Trạch. Ông Nguyễn Văn Trí - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: “Xác định rõ nhiệm vụ của Trung tâm Khuyến nông là đi đầu về công tác chuyển giao ứng dụng công nghệ nên mặc dù đây là nhiệm vụ mới, có nhiều khó khăn và đặc biệt là phải có kết quả nhưng Khuyến nông sẵn sàng nhận và thực hiện nhiệm vụ được giao. Trung tâm đã thành lập Tổ công tác chuyển đổi số gồm 13 người. Trong thời gian hơn 1 tháng, làm việc nhiệt tình, trách nhiệm Tổ công tác chuyển đổi số Trung tâm đã nhanh chóng tiếp nhận công nghệ từ đơn vị tư vấn, phối hợp cùng 19 xã thuộc vùng chỉ dẫn địa lý bưởi Phúc Trạch, huyện Hương Khê triển khai thông tin, tuyên truyền hướng dẫn các tổ chức/cá nhân sản xuất, kinh doanh và cung ứng giống, vật tư, phân bón cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc, đăng ký tài khoản, nhập liệu cho 160 tài khoản DN/HTX/THT và 2800 tài khoản thành viên. Với tổng diện tích được số hóa là 899ha và hơn 9 tấn sản phẩm được truy xuất nguồn gốc đến tận hộ sản xuất. Trung tâm cũng đã phối hợp cùng Công ty iCheck hoàn thiện Cổng thông tin buoiphuctrach.gov.vn và app Bưởi Phúc Trạch”.
Đồng thời, trong thời gian đó, các hoạt động xúc tiến thương mại được gấp rút thực hiện. Từ việc lựa chọn các đơn vị sản xuất kinh doanh bưởi Phúc Trạch tiêu biểu làm đầu mối đưa sản phẩm lên sàn TMĐT thì các khó khăn về phương tiện vận chuyển, kho bãi, tem nhãn, chứng nhận chất lượng … được xác định và tháo gỡ có hiệu quả. Ngày 31/8, Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ bưởi Phúc Trạch thông qua phầm mềm zoom kết nối với 300 điểm cầu là các đại biểu ở Trung ương, tỉnh bạn và các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Đây là sự kiện quan trọng không chỉ thúc đẩy tiêu thụ mà còn góp phần quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu. Tại Hội nghị các sàn TMĐT gồm Postmart.vn, Voso.vn, Sendo.vn và các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh đã ký kết Biên bản thỏa thuận ghi nhớ, hợp tác tiêu thụ sản phẩm bưởi Phúc Trạch. Đồng thời, qua Hội nghị Lễ xuất xe vận chuyển bưởi đi tiêu thụ cũng được khởi hành và bắt đầu hành trình của mình.
Hội nghị xúc tiến thương mại
Được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và được dán tem truy xuất nguồn gốc do Công ty CP iCheck - đơn vị tiên phong cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc đạt chuẩn Quốc gia và Quốc tế GS1 với việc minh bạch được đầy đủ các thông tin cần thiết, sản phẩm Bưởi Phúc Trạch Hà Tĩnh khẳng định được chất lượng, an toàn thực phẩm để mọi khách hàng nhanh chóng tiếp cận và tin dùng. Đến nay, thông qua sàn TMĐT đã tiêu thụ hơn 80 tấn bưởi Phúc Trạch, dự kiến sản lượng tiêu thụ trong mùa thu hoạch năm 2021 là 700 - 1.000 tấn. Đồng thời, bưởi Phúc Trạch cũng đã vào được các hệ thống phân phối lớn như siêu thị BigC, Vinmart, Co.opmart và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển tại Hà Nội. Đặc biệt, hiện nay, có đối tác ở Nhật Bản, Singapore, Đức đang tìm hiểu, khảo sát và hoàn thiện thủ tục xuất khẩu cho bưởi Phúc Trạch.
Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, ngành Nông nghiệp đã nhanh chóng nhập cuộc, bắt nhịp chuyển đổi số, nâng tầm giá trị của các loại hàng hóa nông- lâm-thủy sản vào các thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Thành công bước đầu đã đưa được bưởi Phúc Trạch, một sản phẩm kinh tế chủ lực của nông dân Hà Tĩnh lên sàn TMĐT. Kết quả này, thể hiện tinh thần trách nhiệm, năng lực nắm bắt về công nghệ chuyển đổi số của cơ quan chuyên môn khoa học khuyến nông tỉnh, cũng như các ban ngành của Sở nông nghiệp tỉnh. Trên đà thắng lợi đó, thời gian tới Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục dồn lực, thực hiện chuyển đổi số, đưa sản phẩm cam chanh, cam bù và các sản phẩm nông nghiệp khác lên sàn TMĐT. Đồng thời, ngành sẽ phát triển các ứng dụng công nghệ tự động trong sản xuất, đóng gói sản phẩm và tăng cường kiểm soát quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đảm bảo chất lượng ản phẩm và tính chuyên nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp của Hà Tĩnh đến tận tay người tiêu dùng trong và ngoài nước”.
Kim Thịnh - Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh