Menu phải
Web Counter
Editor de continguts
Lươn có giá trị dinh dưỡng cao, giàu protein, các loại vitamin và khoáng chất. Thịt lươn được sử dụng để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn, có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho mọi lứa tuổi. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, trong những năm gần đây các địa phương trong tỉnh đã phát triển các mô hình nuôi lươn không bùn mang lại thu nhập cao cho người dân.
Năm 2019, anh Phạm Ngọc Dung (sinh năm 1993) tại thôn Nam Bình, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã tìm hiểu các mô hình kinh tế và thấy lươn là đối tượng thủy sản có giá trị cao về mặt dinh dưỡng, được thị trường rất ưa chuộng và có thể nuôi dưới nhiều hình thức như trong bể xi măng, bể Composite hay trong bể lót bạt, nhất là lươn không cần diện tích lớn như các đối tượng nuôi khác. Tận dụng đất trống xung quanh nhà và vật liệu sẵn có, anh Dung làm 5 ô bể, lót bạt xung quanh, mỗi bể có diện tích 5m2 để nuôi lươn thương phẩm theo hình thức nuôi không bùn và năm đó nuôi 1 vạn con giống (cỡ con giống 500 con/kg); sau 8 - 10 tháng nuôi lươn đạt 4 - 5 con/kg anh bắt đầu xuất bán. Lứa đầu tiên, anh thu về hơn 1 tấn lươn, đem lại nguồn thu gần 200 trăm triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi hơn 60 triệu đồng và các tiếp theo đó, mỗi năm anh đầu tư thêm các bể nuôi và thu hoạch trên 2 tấn lươn, tổng thu gần 300 trăm triệu đồng, sau khi trừ chi phí, anh lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Năm 2024, Anh Dung đang đầu tư nuôi với diện tích 300m2 trong hệ thống bể Composite, hiện lươn đang sinh trưởng và phát triển tốt, đã đạt trượng lượng 4 - 5 con/kg; dự kiến đến tháng 12 sẽ thu hoạch trên 2,5 tấn lươn thương phẩm.
Hay như, Anh Trần Xuân Trường thôn Đất Đỏ, xã Thường Nga, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đã đầu tư nuôi lươn thương phẩm và sản xuất giống lươn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Năm 2018, sau khi nắm bắt một số kỹ thuật từ các tỉnh Nam Bộ, anh Trường đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng 25 bể nuôi lươn (bể xây có ốp tường, lát đáy bằng gạch men, trơn), trong đó có 12 bể lươn sinh sản với diện tích 15m2/bể, 10 bể nuôi lươn thịt và 3 bể dùng để ươm lươn giống với diện tích 5m2/bể. Từ đó đến nay, anh sản xuất ổn định với sản lượng lươn thương phẩm bán ra thị trường 2 - 3 tấn và hơn 30 vạn lươn giống/năm; với giá bán lươn thịt là 150.000 - 160.000 đồng/kg, giá thành sản xuất lươn là 80.000 - 90.000đ/kg thì lợi nhuận từ lươn thương phẩm mỗi năm hơn 200 triệu đồng; về thị trường anh cho biết lươn là sản phẩm dễ tiêu thụ, mình đã bán cho khách hàng cả trong và ngoài tỉnh, bán ra thị trường nhiều nhất là tỉnh Nghệ an họ thường mua với số lượng lớn.
Theo tổng hợp của Chi cục Thủy sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 32 cơ sở nuôi lươn không bùn (lần lượt là: Thị xã Hồng Lĩnh 7 cơ sở, thành phố Hà Tĩnh 5, huyện Cẩm Xuyện 4, Thạch Hà 4, Lộc Hà 3, Nghi Xuân 3, Đức Thọ 2, Hương Khê 2 và Can Lộc 1 cơ sở) với các hình thức nuôi trong bể xây có ốp, lát bằng gạch men, trơn; nuôi trong bể composis và nuôi trong bể lót bạt; với diện tích đạt trên 5.000m2; sản lượng lươn nuôi năm 2024 ước đạt trên 30 tấn lươn thương phẩm xuất bán ra thị trường. Qua đánh giá của ngành chuyên môn và người nuôi thì với cách nuôi lươn không bùn nói chung có ưu điểm là ít tốn công chăm sóc, ít tốn diện tích, đầu ra thuận lợi và giá cả luôn ổn định ở mức cao. Mặt khác, lươn nuôi không bùn lươn ít nhiễm bệnh hơn do không tiếp xúc với vi khuẩn trong môi trường bùn đất. Mỗi ngày chỉ phải mất vài tiếng đồng hồ cho lươn ăn và thay nước, nhưng phải đảm bảo nước luôn sạch và trong thì lươn sẽ khỏe, sinh trưởng phát triển tốt và ít bị nhiễm bệnh. (Với mô hình nuôi trong bể Composite còn có các ưu điểm là: bể nuôi lươn thường sẽ được bán nguyên chiếc hoặc có thể bán dưới dạng rời dễ lắp ráp, di chuyển… tùy vào nhu cầu của người nuôi; so với bể nuôi bằng bê tông, bể xây to lớn, nặng nề thì bồn nuôi lươn composite đáp ứng được nhiều yêu cầu hơn; loại bể này đa dạng về hình dáng và kích thước phù hợp với khả năng đầu tư của người nuôi và có có độ bền cao, khả năng chịu nhiệt và không bị hóa chất ăn mòn; mặt trong và ngoài của bể composite bằng phẳng và láng bóng dễ vệ sinh hay tu sửa, khó bám rêu giúp đảm bảo an toàn cho lươn nuôi bên trong).
Để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng nông thôn mới thành công; các địa phương tùy theo điện kiện thực tế của mình, cần tiếp tục tập trung nghiên cứu, học tập và đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nhân rộng các mô hình trên, nhằm phù hợp với điều kiện quỹ đất sản xuất nông nghiệp ngày càng hạn hẹp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh./.
Sỹ Công - Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh.