Navigationsmenü

Asset Publisher

Banner trái

Web Counter

Asset Publisher

angle-left Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnhbệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi.

Bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND, hay còn gọi là hội chứng tôm chết sớm - EMS) là một bệnh rất nguy hiểm ở tôm, bệnh gây chết tôm hàng loạt chỉ sau một thời gian ngắn. Nguyên nhân chính gây bệnh là vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus hoặc quản lý môi trường ao nuôi kém. Tôm có thể bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy trong suốt quá trình nuôi, tập trung nhiều ở giai đoạn tôm nhỏ đến 60 ngày tuổi.

          Tại Hà Tĩnh, Theo phát hiện của Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh từ ngày 12/7/2021 đến ngày 16/7/2021 tại các cơ sở nuôi tôm thuộc vùng nuôi tập trung, vùng nuôi trọng điểm thuộc các huyện ven biển, thành phố và thị xã đã phát hiện 06/24 mẫu tôm dương tính với vi khuẩn hoại tử gan tụy cấp tính. Trong khi, theo dự báo sắp tới thời tiết tiếp tục nắng nóng, kèm theo mưa rào và dông, gây biến động các yếu tố môi trường nước ao nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe tôm. Do vậy, nguy cơ phát sinh một số loại dịch bệnh nguy hiểm trong thời gian tới là rất cao.

Để phòng ngừa thiệt hại do bệnh hoại tử gan tụy cấp, trên cơ sở một số tài liệu và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, xin lưu ý đến các hộ/cơ sở nuôi tôm trong tỉnh một số thông tin về nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng ngừa, cụ thể:

1. N guyên nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp ở tôm

Bệnh do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus làm rối loạn chức năng và phá hủy các mô gan tụy của tôm.

Bệnh có thể xuất hiện trong giai đoạn tôm dưới 35 ngày tuổi do con giống kém chất lượng, bị nhiễm bệnh từ tôm bố mẹ.

Nếu tôm chết ở giai đoạn 35 - 60 ngày tuổi nguyên nhân phần lớn nằm ở việc quản lý ao nuôi kém, nước trong không lên màu, đất nhiễm phèn, độ PH thấp, thiếu cân bằng khoáng chất trong ao, độ oxy hòa tan thấp,… hoặc do sử dụng thuốc trừ sâu diệt giáp xác, điều này làm dư lượng độc tố cypermethrin và deltamethrin, màu nước trong ao không ổn định.

Bệnh hoại tử gan tụy ở tôm thường diễn ra vào mùa mưa, khi thời tiết biến động mạnh. Mưa nhiều làm tôm càng phát bệnh nhanh hơn. Nhất là ở các ao nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng có sự tích lũy phospho cao do thức ăn dư thừa.

2. Biểu hiện bệnh hoại tử gan tụy cấp ở tôm

Tôm bệnh bơi lờ đờ, bỏ ăn, tấp mé bờ, tôm đã phát bệnh rớt đáy rất nhanh.

Gan tụy tôm mềm nhũn, teo lại hoặc sưng to, màu nhạt.

Có trường hợp gan chai sạn, màu sẫm, không còn các giọt dầu.

Tôm bị mềm vỏ, ruột ít hoặc không có thức ăn.

3. Cách phòng ngừa và điều trị bệnh hoại tử gan tụy ở tôm

Đối với tôm, phòng bệnh luôn tốt hơn trị bệnh, nhất là đối với các bệnh xảy ra biến chứng cấp tính như EMS. Khi mắc bệnh tôm thường bỏ ăn nên việc bổ sung thuốc vào thức ăn không mang lại hiệu quả cao.

* Trước khi thả nuôi

Đối với tôm giống, nên sàng lọc cẩn thận các mầm bệnh.

Cải tạo và sát trùng ao nuôi cẩn thận trước khi thả tôm: sên vét đáy ao, phơi nắng đáy ao với vôi, sát trùng đáy ao. Xử lý diệt khuẩn nguồn nước cấp vào ao, lọc qua lưới lọc cẩn thận.

Loại bỏ hoàn toàn các chất gây độc cho gan tụy tôm như các ion kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật có trong nước.

* Trong khi nuôi

Để phòng bệnh, giải pháp tốt nhất là tăng cường hệ miễn dịch thông qua cung cấp nguồn thức ăn có chất lượng tốt, nguồn nước và đất không ô nhiễm.

Thường xuyên bổ sung chất dinh dưỡng và các chất hỗ trợ hệ miễn dịch.

Sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng, thức ăn không nhiễm nấm, cho ăn bổ sung vitamin C, A, E, và Glucan.

Quản lý môi trường ao nuôi tốt và ổn định bằng sản phẩm men vi sinh.

Siphon đáy ao và thay nước hàng ngày.

Hạn chế dùng các hóa chất, kháng sinh điều trị bệnh tôm.

* Sau khi thu hoạch

Sau khi thu tôm, phải dùng các thuốc diệt khuẩn để khử trùng môi trường nước, hạn chế lây nhiễm ra môi trường bên ngoài và những vụ nuôi sau.

Lưu ý: Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh đối với các cơ sở nuôi có mẫu tôm đã phát hiện vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.

* Đối với các cơ sở có mẫu tôm có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính nhưng tại thời điểm lấy mẫu chưa phát hiện tôm bị chết.

          - Tuyệt đối không được xả nước ra ngoài môi trường  chưa qua xử lý.

- Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp; trong đó lưu ý: thường xuyên giám sát tình hình sức khỏe tôm nuôi; kiểm soát chế độ cho tôm ăn, tránh dư thừa thức ăn, gây ô nhiễm đáy ao; theo dõi điều chỉnh các yếu tố môi trường phù hợp; bổ sung thêm Vitamin C và khoáng chất tăng cường sức đề kháng cho tôm; định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học; thông báo kịp thời với chính quyền địa phương và cơ quan thú y khi có hiện tượng tôm chết bất thường để được hướng dẫn các biện pháp chống dịch theo quy định.

          * Đối với cơ sở có mẫu tôm dương tính với vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (tại thời điểm thu mẫu xảy ra hiện tượng tôm yếu, chết): thực hiện nghiêm túc và kịp thời các biện pháp chống dịch được quy định tại phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời thông báo với các cơ sở nuôi trong vùng biết để chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa./.

 

Sỹ Công - Chi cục Thủy sản.
Asset Publisher

Asset Publisher