Menu phải
Web Counter
Asset Publisher
Căn cứ theo kết quả quan trắc, giám sát tác nhân gây bệnh trên đối tượng tôm nuôi nước lợ từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2024 tại khu vực phía Bắc (tại văn bản số 164/TTQT ngày 29/8/2024 của Trung tâm Quan trắc Môi trường và Dịch bệnh thủy sản Miền Bắc thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I) cho thấy: Vùng nuôi tôm nước lợ tại Hộ Độ - Lộc Hà - Hà Tĩnh, Hải Chính - Hải Hậu - Nam Định, Kim Sơn - Ninh Bình đã phát hiện tác nhân Enterocytozoon hepatopenaei (vi bào tử trùng, viết tắt là EHP) trên tôm nuôi với tỷ lệ nhiễm dao động từ 11,1 - 27,5 % số mẫu đã phân tích, cụ thể như sau:
STT | Địa điểm | Số mẫu phân tích | Số mẫu dương tính EHP | Tỷ lệ nhiễm (%) |
1 | Hộ Độ - Lộc Hà - Hà Tĩnh | 18 | 4 | 22,2 |
2 | Hải Chính - Hải Hậu - Nam Định | 18 | 2 | 11,1 |
3 | Kim Sơn - Ninh Bình | 40 | 11 | 27,5 |
EHP ký sinh trong gan, tụy tôm và nhân lên trong tế bào chất của biểu mô ống gan, tụy, cản trở tôm hấp thụ chất dinh dưỡng và dẫn đến tình trạng tôm nuôi còi cọc, chậm lớn, suy giảm sức miễn dịch, sức đề kháng. Mặc dù tôm nhiễm EHP không gây ra hiện tượng chết hàng loạt, tuy nhiên làm giảm năng suất nuôi, gây thiệt hại về kinh tế.
Để hạn chế ảnh hưởng của EHP, giảm thiểu thiệt hại và nâng cao hiệu quả nuôi trồng; theo đó Trung tam Quan trắc môi trường và dịch bệnh thủy sản Miền Bắc thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã khuyến cáo cơ quan quản lý thủy sản và các cơ sở nuôi cần lưu ý một số nội dung như sau:
- Đối với cơ quan quản lý thủy sản
+ Tăng cường giám sát tác nhân gây bệnh trên tôm để có biện pháp khuyến cáo, chỉ đạo vụ nuôi, nhất là đối với tác nhân EHP.
+ Phối hợp cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra chất lượng tôm giống đảm bảo nguồn giống sạch bệnh phục vụ cho vụ nuôi tiếp theo.
- Đối với các cơ sở nuôi
+ Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp quản lý an toàn sinh học, kiểm tra tôm nuôi, nguồn thức ăn, và tiến hành xét nghiệm mẫu khi tôm có dấu hiệu nhiễm EHP để xử lý kịp thời. Bổ sung các chất tăng cường miễn dịch, vi lượng, đa lượng vào thức ăn để hỗ trợ tôm phát triển.
+ Đối với các ao nuôi có phát hiện nhiễm EHP: Không xả thải nước nuôi và tôm bệnh ra ngoài môi trường. Căn cứ kích cỡ tôm nuôi và tình hình thực tế để quyết định phương án xử lý tôm nuôi phù hợp.
+ Đối với các ao nuôi chuẩn bị cho vụ nuôi mới: Chuẩn bị ao nuôi theo quy trình xử lý nước nghiêm ngặt. Tiến hành khử trùng, phơi đáy ao, hạn chế mầm bệnh.
+ Đối với nguồn tôm giống: Sử dụng nguồn tôm giống đã được kiểm tra và không nhiễm các tác nhân gây bệnh (EHP, AHPND, IHHNV, WSSV…)./.
Sỹ Công - Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh