Navigation Menu

Asset Publisher

Banner trái

Web Counter

Asset Publisher

angle-left Làm giàu từ nuôi dúi

Dúi là động vật hoang dã nhưng vẫn có thể nhân giống thuần chủng và trở thành vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian qua, nhiều hộ nông dân tại huyện Hương Sơn đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, con giống để phát triển mô hình này. Đây là hướng đi mới trong chăn nuôi cần được nhân rộng giúp người nông dân nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Hơn 1 năm trước, anh Hồ Xuân Tuyên (ở tổ dân phố 6, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn) đã lặn lội ra tận Lào Cai để tìm hiểu mô hình nuôi Dúi và quyết định mua 20 cặp dúi giống về nuôi thử nghiệm. Thời gian đầu, anh Tuyên cũng gặp không ít khó khăn do chưa nắm vững kỹ thuật. Nhưng nhờ chịu khó mày mò, nghiên cứu phương án khắc phục, nên đàn dúi của gia đình anh giờ đây đã thích nghi với môi trường, khí hậu của Hà Tĩnh.

Theo anh Tuyên, để nuôi dúi thành công, điều kiện đầu tiên phải chọn được con giống khỏe mạnh. Tiếp đến là các điều kiện về chăn nuôi. Theo đó, chuồng nuôi phải bố trí hợp lý, không gian phải thoáng đãng, yên tĩnh. Đặc biệt lưu ý, dúi là loài động vật hoạt động về đêm, nên phải hạn chế tối đa ánh sáng chiếu trực tiếp vào chuồng nuôi. Anh Tuyên đã sử dụng các tấm gạch men ghép lại thành từng ô nhỏ hình vuông, với kích thước mỗi cạnh 60 x 60 cm. Với cách làm như vậy, chỉ với 100 m2 đất, gia đình anh đã có 70 chuồng nuôi nhỏ liền kề. Việc làm chuồng trại bằng cách ghép gạch men giúp không gian phát triển của dúi giữ được sự khô ráo, sạch sẽ và kiên cố, tránh các loài động vật gây hại như: chuột, rắn bò vào.

Anh Tuyên cho biết: Dúi là loài vật có chất lượng thịt ngon và là một trong những đặc sản của núi rừng, nên rất được thị trường ưa chuộng. Loài gặm nhấm này còn rất dễ nuôi, ít công chăm sóc và sinh trưởng mạnh nếu người nuôi biết cách chăm sóc đúng kỹ thuật. Nguồn thức ăn chủ yếu của đàn dúi là cây tre và cây mía sẵn có tại vườn nhà nên không tốn kém nhiều chi phí, còn đảm bảo được nguồn thức ăn an toàn. Sau gần 1 năm, đàn dúi của gia đình anh đã phát triển lên tới gần 100 con. Hiện anh Tuyên đang tập trung nhân đàn, để bán dúi giống.Không những thế, thời gian tới, gia đình anh sẽ có nguồn dúi thịt cung ứng cho các thương lái, nhà hàng, hứa hẹn sẽ đem lại kết quả khả quan cho kinh tế gia đình.

Cũng như nhiều hộ dân ở xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, những năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị Lệ ở thôn Yên Long, xã Quang Diệm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) chỉ đầu tư nuôi hươu. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu thực tế, bà Lệ nhận thấy mô hình nuôi dúi là hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng, nên đã quyết định cải tạo cơ sở chăn nuôi hươu và chuyển hướng sang nuôi dúi.

Từ 30 cặp dúi ban đầu, sau gần 4 năm vừa nuôi vừa tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăm sóc, đàn dúi của gia đình bà phát triển lên trên 200 con. Mỗi năm bà Lệ bán ra thị trường từ 70-80 cặp dúi giống, với giá từ 1 đến 1,2 triệu đồng/cặp. Ngoài ra, bà còn bán dúi thịt cho các nhà hàng trên địa bàn, đem lại thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng. Theo chia sẽ của bà Lệ: Dúi là loài vật dễ nuôi, chi phí thức ăn không nhiều, dễ kiếm, sinh sản nhanh nên rất phù hợp để chăn nuôi hộ gia đình. Khi hiểu được đặc tính của loài vật này không thích nước, không ưa ánh sáng và nhiệt độ cao, nên việc chăm sóc cũng đơn giản hơn.

Là một trong những mô hình nuôi dúi lớn nhất của xã Sơn Kim 1, (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Trên diện tích gần 200m2, anh Nguyễn Phúc Dương tại thôn An Sú đã xây dựng một khu nhà kiên cố, khép kín, cao ráo, ngoài ra anh còn lắp thêm quạt, giúp làm mát và lưu thông không khí, tạo môi trường trong lành cho dúi phát triển. Anh Dương cho biết, trang trại hiện đang nuôi trên 100 cá thể dúi sinh sản, sinh trưởng và dúi con. Nuôi dúi không giống như nuôi gia súc hay gia cầm, khi nuôi đòi hỏi phải biết quy trình chăm sóc như: Thức ăn phải khô ráo, không ẩm ướt; chuồng trại phải thoáng mát, nhiệt độ chuồng vừa phải, cần thường xuyên vệ sinh ô chuồng sạch sẽ, phun khử trùng thì đàn dúi sẽ không bị mắc các bệnh ngoài da, nhiễm khuẩn, viêm phổi hay bị bệnh tiêu chảy….Trong quá trình nuôi dúi, anh thường xuyên ghi chép, cập nhật đầy đủ sự biến động tăng, giảm số cá thể đang chăn nuôi vào sổ theo dõi và định kỳ báo cáo, chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan liên quan.

Về sinh sản của dúi, anh Dương cho biết: Dúi cái nuôi từ 8-9 tháng tuổi sẽ bắt đầu sinh sản. Thời gian sinh sản của dúi rất ngắn, khoảng một tháng sau khi ghép đôi thành công dúi mẹ sẽ sinh sản, một năm sinh sản 2 lứa, mỗi lứa đẻ từ 3 - 6 con non. Dúi con được khoảng 45 ngày thì tách mẹ. Sau khi tách mẹ phải cho dúi con ăn bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng để dúi phát triển khỏe mạnh. Thời gian tách đàn dúi con, phải phù hợp. Nếu dúi con tách mẹ sớm sẽ chậm phát triển, còn tách muộn sẽ làm gián đoạn vòng sinh sản của dúi mẹ.

Thuận lợi nhất của nuôi dúi sau khi nắm vững kỹ thuật chăm sóc là chi phí cho dúi ăn ít và công chăm sóc không cần nhiều. Hiện, giá thị trường của dúi thương phẩm khoảng 500 - 600 ngàn đồng/kg, mỗi cặp dúi giống khoảng 1 -1,2 triệu đồng. Dúi nuôi để sinh sản (làm giống) có trọng lượng từ 1,5 - 2kg/con với giá bán khoảng 3 triệu/cặp. Theo tính toán, mỗi năm thu nhập của anh Dương từ nuôi dúi thương phẩm và sinh sản lên tới vài trăm triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị An, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Kim1, huyện Hương Sơn cho biết: Toàn xã Sơn Kim 1 hiện có 6 mô hình nuôi dúi phát triển ổn định. Với những hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình này, địa phương đã khuyến khích bà con nông dân học tập kinh nghiệm tại các mô hình nuôi dúi thành công. Từ đó nhân rộng mô hình góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, với mục tiêu tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.

Ông Phan Xuân Đức, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và BVCTVN huyện Hương Sơn cho biết:Có thể nói mô hình chăn nuôi dúi là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Loài vật này không tốn nhiều công chăm sóc, diện tích chuồng trại nhỏ, kỹ thuật nuôi không quá khó, nhưng để hạn chế dịch bệnh trong quá trình nuôi, người chăn nuôi cần phải nắm vững kỹ thuật. Theo đó, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Sơn đã thường xuyên hỗ trợ người dân về mặt kỹ thuật, từ đó chuyển giao cho các hộ dân khác phát triển, nhân rộng mô hình trong thời gian tới./.

Ánh Nguyệt

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh

Asset Publisher

Asset Publisher