Menu phải
Web Counter
Publicador de contenidos
Với kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch đơn giản, mức đầu tư phù hợp với khả năng kinh tế của đa số hộ nông dân và cho lợi nhuận kinh tế cao, phong trào trồng cây lá gai phục vụ nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho quy trình sản xuất bánh gai tại thị trấn Đức Thọ đang phát triển mạnh mẽ và mang lại thu nhập gấp 2 - 4 lần so với trồng lúa.
Cây lá gai là một loại cây đã có từ ngàn xưa, lá gai được dùng để làm bánh gai, là loại bánh rất đặc biệt của nước ta, có nơi còn dùng lá gai để làm chè thay cho chè xanh; thân và cành của cây lá gai được dùng làm nguyên liệu để làm giấy, sản xuất sợi; rễ của cây lá gai lại là một loại dược liệu rất tốt. Nhìn chung, cây gai có rất nhiều công dụng, tuy nhiên, lâu nay cây lá gai chưa được quan tâm đúng mức, chưa được khai thác hết giá trị của nó, người ta thường coi đó là loại cây phụ nên chỉ trồng xen trong vườn hoặc các bãi hoang ven sông, ven suối. Khi phong trào sản xuất bánh gai phát triển mạnh mẽ tại huyện Đức Thọ, đặc biệt, năm 2016, Hợp tác xã Bánh Gai Đức Yên được thành lập và để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất bánh gai, HTX đã liên kết với các hộ dân trong vùng trồng cây lá gai. Lúc đầu chỉ một số hộ dân trồng theo hình thức tự phát, sau khi thu hoạch lá gai được HTX bánh gai Đức Yên thu mua với giá 40.000 đ/kg lá khô. Nhận thấy hiệu quả mang lại khi trồng cây lá gai, nhiều hộ nông dân trên địa bàn thị trấn Đức Thọ đã chuyển đổi đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng cây lá gai và đầu tư chăm sóc đúng quy trình để nâng cao năng suất.
Cây lá gai là loại cây dễ chăm sóc, trồng 1 lần có thể cho thu hoạch trong nhiều năm, khả năng chịu hạn tốt, ưa khí hậu nóng ẩm, sau khi trồng khoảng 1 năm thì cây bắt đầu cho thu hoạch. Cây trồng một lần, nhưng thời gian khai thác từ 6 - 8 năm, một năm có thể thu hoạch từ 4 - 6 vụ, nếu chăm sóc tốt trung bình khoảng 45 ngày có thể thu hoạch. Cách thu hoạch là cây lá gai được đốn cắt ngang thân cây trên mặt đất từ 5 - 7cm tính từ gốc lên, cây lá Gai sau khi thu hoạch được lấy phần lá, phơi khô cho vào bao ni lon bảo quản để giữ chất lượng đạt yêu cầu, còn phần thân cây được bà con cắt thành từng khúc 15 - 20cm dùng để nhân giống mở rộng diện tích gieo trồng. Sau mỗi lứa thu hoạch, các hộ sản xuất tiếp tục xới xáo, bón thúc phân, vun góc để cây tiếp tục đẻ nhánh và phát triển cho thời vụ tiếp theo.
Cây lá gai được trồng ở các bãi bồi ven sông
Nhờ biết tận dụng và nắm bắt cơ hội, các hộ dân nơi đây đã tập trung chăm sóc đúng quy trình nhằm nâng cao năng suất, đồng thời mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu lá gai, đến nay đã đạt quy mô gần 20ha. Nhằm chia sẽ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng chăm sóc cũng như thuận lợi trong việc ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giúp mô hình ngày càng phát triển tốt hơn, tháng 3/2022 các hộ dân nơi đây đã thống nhất thành lập Tổ hợp tác trồng cây lá gai với 80 thành viên tham gia
Lá gai thu hoạch đến đâu được HTX bánh gai Đức Yên thu mua tới đó, theo tính toán của các hộ dân, cứ mỗi sào cây lá gai cho thu hoạch từ 50 - 55 kg lá gai khô, với giá bán hiện nay 40.000 đồng/kg, như vây mỗi sào cho thu nhập từ 2.000.000 - 2.200.000 đồng/lứa, bình quân mỗi năm thu hoạch 4 – 6 lứa thì tổng thu nhập từ việc trồng cây lá gai đạt từ 8 - 13 triệu đồng/sào/năm.
Ông Nguyễn Đình Tân, tổ trưởng THT trồng cây lá gai chia sẽ: Để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của Hợp tác xã bánh gai Đức Yên, THT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp tổ chức các đợt tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, vận động các hộ dân trong toàn thị trấn tận dụng một số diện tích đất nông nghiệp, đất màu kém hiệu quả trên địa bàn để mở rộng diện tích trồng cây lá gai vừa cung cấp, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất cho Hợp tác xã Bánh Gai Đức Yên, đồng thời mở rộng thị trường ra các tỉnh lân cận như Nghệ An, Thanh Hoá nhằm giải quyết công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên THT.
Mô hình liên kết trồng cây lá gai giúp người dân trên địa bàn thị trấn Đức Thọ từng bước làm quen với phương thức trồng thâm canh gai hàng hoá để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, tạo cầu nối gắn kết nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Mặt khác, từ mô hình này sẽ tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương, góp phần thiết thực phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Đặng Thị Thuận