Menu phải
Web Counter
Sisältöjulkaisija
Những vùng thấp trũng, ao hồ… không sản xuất được, sản xuất kém hiệu quả bị hoang hóa nhiều năm được bà con nông dân thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đưa cây sen vào canh tác. Kết hợp với các biện pháp chăm bón phù hợp, cây sen phát triển tốt, tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, đồng thời mang lại thu nhập cao cho người dân. Mô hình này đang được thành phố Hà Tĩnh triển khai nhân rộng.
Những vùng thấp trũng, ao hồ bỏ hoang trước đây được người dân thành phố Hà Tĩnh đưa cây sen vào sản xuất, cho hiệu quả kinh tế cao
Đầu năm 2023, nhận thấy vùng đất trũng tại địa phương phủ đầy bèo tây, hàng chục năm không thể canh tác, ông Nguyễn Duy Đại ở thôn Đoài Thịnh (xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh) đã mạnh dạn thuê lại đất của nhiều hộ dân để trồng sen. Ông Đại cho biết, sau một lần tham quan mô hình trồng sen tại Bắc Ninh, nhận thấy đây là mô hình có thể mang lại hiệu quả cao, trong khi tại địa phương có nhiều diện tích sâu trũng đang bị bỏ hoang nên ông quyết tâm thực hiện.
Tháng 6 năm 2023, ông Đại bắt tay vào thực hiện mô hình. Nhờ thời tiết thuận lợi, sau hơn một tháng rưỡi gieo trồng, sen đã phủ đầy ruộng. Gia đình thu hoạch ngó sen, thời gian thu hoạch kéo dài hơn 1 tháng. Kết thúc kỳ thu hoạch ngó, ông Đại chuyển sang thu hoạch gương sen. Vào những ngày đầu tháng hay dịp rằm, gia đình ông còn có thêm nguồn thu từ hoa sen do nhu cầu tiêu thụ hoa sen phục vụ thờ cúng tăng cao.
Những khu đất trũng thấp bỏ hoang nay đã được phủ kín bằng cây sen, cho hiệu quả cao gấp nhiều lần trồng lúa
Sau 1 năm trồng thử nghiệm, nhờ những kinh nghiệm có được trong quá trình canh tác, cũng như học hỏi thêm từ nhiều người đi trước, bước đầu ông Đại đã thành công. Ngoài diện tích sen thu hoạch theo chu kỳ, gia đình ông còn 0,5ha sen lấy củ. Theo ông Đại, các sản phẩm từ sen như hoa sen, hạt sen, ngó sen và củ sen đều cho năng suất cao, chất lượng đảm bảo, hiệu quả kinh tế mang lại gấp hai lần trồng lúa.
Tại xã Thạch Hạ (thành phố Hà Tĩnh), trước đây do đồng sâu trũng, thường xuyên ngập úng nên một thời gian dài nhiều người dân không còn mặn mà canh tác, nhiều cánh đồng bị bỏ hoang. Từ khi đưa cây sen vào thay thế, các cánh đồng này đã thực sự hồi sinh, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định. Theo các hộ trồng sen ở đây thì so với trồng lúa, sen tốn ít chi phí đầu tư, tỉ lệ hao hụt thấp, ít sâu bệnh, không tốn công chăm sóc.
Một sào sen chăm sóc tốt cho thể cho thu hoạch từ 3 - 4 tạ sen tươi. Hiện hạt sen chưa qua sơ chế có giá từ 30 - 35.000 đồng/kg, được thương lái về thu mua tận nơi. Ngoài ra, các sản phẩm như hoa sen, lá sen cũng được thu mua với giá ổn định.
Không chỉ cho nông dân thu nhập cao, cây sen cũng giúp bộ mặt đô thị ở thành phố Hà Tĩnh ngày càng khang trang sạch đẹp
Ông Nguyễn Hữu Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Hạ cho hay: “Trên cùng một đơn vị diện tích, cây sen cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, thời gian thu hoạch lại kéo dài, tận dụng được tối đa nguồn lao động tại chỗ. Trồng sen trên đất trũng, hoang hóa, đất lúa kém hiệu quả đang là mô hình mở ra hướng phát triển cho hiệu quả kinh tế cao”.
Từ những cánh đồng thấp trũng, hoang hóa, Hội Nông dân phối hợp với Đoàn Thanh niên xã Thạch Hưng (thành phố Hà Tĩnh) đã thành lập Tổ hợp tác trồng sen Thạch Hưng và triển khai mô hình trồng sen trên diện tích hơn 2ha. Sen bách diệp Hồ Tây là giống sen được Tổ hợp tác lựa chọn trồng. Đây là giống sen có hương rất thơm, chủ yếu lấy hoa để ướp trà, ướp rượu và trang trí.
Theo ông Nguyễn Chí Thông - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Hưng, mỗi năm Tổ hợp tác trồng sen xã Thạch Hưng cung cấp cho Hợp tác xã sen Hào Thành (thành phố Hà Tĩnh) từ 40 - 50 nghìn bông hoa sen, mỗi bông có giá từ 1.500 - 2.000 đồng (tùy thời điểm). Ngoài trồng sen, Tổ hợp tác còn kết hợp nuôi cá. Nguồn thu từ sen và cá đem lại thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Đoàn thanh niên ở thành phố Hà Tĩnh đã thành lập các tổ hợp tác trồng sen, vừa tăng thu nhập, vừa thay đổi cảnh quan đô thị
H4. Đoàn thanh niên ở thành phố Hà Tĩnh đã thành lập các tổ hợp tác trồng sen, vừa tăng thu nhập, vừa thay đổi cảnh quan đô thị
"Với ưu thế thời gian cho thu hoạch ngắn, ít vốn đầu tư và công chăm sóc, sản phẩm dễ tiêu thụ, trồng sen là mô hình phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở nhiều địa phương, mở ra hướng đi mới cho nông dân phát triển kinh tế. Việc trồng sen còn tạo thêm việc làm, hạn chế ruộng đất bị bỏ hoang và góp phần tạo thêm vẻ đẹp cho cảnh quan vùng nông thôn", ông Nguyễn Xuân Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hưng cho biết.
Năm 2019, Tổ hợp tác trồng sen Thạch Linh (thành phố Hà Tĩnh) triển khai trồng 0,7ha sen (giống sen Tứ thời). Đến năm 2023, Tổ hợp tác chuyển sang trồng giống sen Bách diệp Hồ Tây. Ngoài cung cấp hoa cho HTX sen Hào Thành, Tổ hợp tác còn đầu tư phát triển các mô hình dịch vụ tổng hợp để khai thác triệt để sản phẩm từ sen và tre.
Tại đây, Đoàn Thanh niên xã Thạch Linh đã xây dựng cửa hàng trưng bày, giới thiệu, kinh doanh các sản phẩm sen và nước uống; khai thác hồ sen cảnh quan, khu vực công viên tre trúc kết hợp không gian dã ngoại. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình trồng sen còn đem lại cảnh quan xanh, sạch đẹp, thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm. Hiện nơi đây đón khoảng 200 - 300 lượt khách mỗi ngày.
Tuy nhiên, mô hình trồng, thu hoạch và sản xuất các sản phẩm từ sen cũng đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Hiện hầu hết mô hình trồng sen đều tận dụng ao hồ, đầm lầy hoang hóa nên rất dễ ô nhiễm hữu cơ, phải cải tạo ao hồ trước khi trồng.
H5: Mỗi ha sen có thể đạt bình quân khoảng 50.000 bông/ha/vụ
Anh Nguyễn Minh Tuấn, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng sen Thạch Linh chia sẻ: “Kỹ thuật trồng sen cũng đòi hỏi khá khắt khe, nước phải sạch, bùn dày, phải xử lý ốc bươu vàng trong thời kỳ cây sen sinh trưởng, phát triển. Khai thác sen phải đúng thời điểm, đúng kỹ thuật. Chẳng hạn để hái hoa sen làm trà, 4h sáng người dân phải ra đầm hái, hoàn thành trước 6h sáng và bỏ trà vào bông sen trước 8h sáng mới đảm bảo hương vị”.
Đối với giống sen Bách diệp Hồ Tây (giống sen chỉ trồng để lấy hoa), nếu chăm sóc tốt có thể đạt bình quân khoảng 50.000 bông/ha/vụ; sen cao sản mặt bằng (loại sen lấy hạt) đạt 2 tấn/ha/vụ… Hiện nay các sản phẩm từ sen như trà búp sen, trà lá sen, hoa sen sấy giòn, hạt sen tươi, củ sen sấy, tinh bột sen, kim chi củ sen, rượu sen… đã được giới thiệu và bán ở nhiều cửa hàng bán lẻ nông sản sạch. Giá bán khá phù hợp với số đông người tiêu dùng. Đặc biệt, một số sản phẩm từ sen đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo ông Trần Viết Phương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi thành phố Hà Tĩnh: Năm 2021, Dự án “Phát triển một số giống hoa sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái tại thành phố Hà Tĩnh” do Sở KH-CN Hà Tĩnh hỗ trợ đã được triển khai. Đến nay, thành phố Hà Tĩnh có hơn 30ha trồng sen. Những vùng đầm lầy hoang hóa giờ đây đã biến thành các ao sen lộng lẫy, không chỉ làm đẹp Thành phố mà còn tạo ra các sản phẩm có giá trị cung ứng trên thị trường.
Để nâng cao thu nhập từ cây sen, phải khai thác, chế biến sâu nhiều sản phẩm từ sen như hạt, ngó, lá, hoa, củ…, đồng thời đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị để chế biến sâu các sản phẩm từ sen như hạt sen sấy, mứt sen, trà tâm sen, củ sen sấy, miến củ sen…
Ánh Nguyệt
Trung tâm khuyến nông Hà Tĩnh