Menu phải
Web Counter
Sisältöjulkaisija
Ngày 26/12/2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Chỉ thị số 9892/CT-BNN-LN về tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Ất Tỵ, tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng năm 2025. Theo đó, trong năm qua, thực hiện các chính sách, pháp luật về Lâm nghiệp, Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/04/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 06/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; các bộ, ngành, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và nhân dân cả nước đã hưởng ứng, tham gia tích cực phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng và tổ chức sản xuất lâm nghiệp đạt được nhiều kết quả quan trọng, thiết thực trên các mặt kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát huy vai trò đa dụng của rừng, cải thiện môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, Đề án trồng 1 tỷ cây xanh và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Nhằm phát huy kết quả đã đạt được trong những năm qua, khắc phục khó khăn, tồn tại, hạn chế, chủ động tích cực chuẩn bị tổ chức tốt phong trào“Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Ất Tỵ gắn với thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và trồng cây, trồng rừng ngay từ đầu năm 2025; Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức “Tết trồng cây” thiết thực, hiệu quả, động viên các cấp, các ngành và huy động nguồn lực từ xã hội hóa, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu trồng cây xanh theo kế hoạch của địa phương trong thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. Xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp năm 2025 theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất lâm nghiệp theo hướng phát triển nông lâm nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững; phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, đa dạng hóa các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp.
Đối với tỉnh Hà Tĩnh chúng ta, trong những năm qua, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chúng ta đã hưởng ứng, tham gia tích cực phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thiết thực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần ổn định độ che phủ rừng của Hà Tĩnh trên 52%. Bình quân mỗi năm, Hà Tĩnh triển khai trồng được khoảng 2 triệu cây xanh, cây phân tán các loại, gần 9.000 ha rừng trồng tập trung; trong đó, ưu tiên lựa chọn những loài cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái, tập quán canh tác của địa phương, từng khu vực; trong đó đã ưu tiên trồng các loài cây bản địa, thân gỗ, đa mục đích, có giá trị bảo vệ môi trường, tác dụng phòng hộ cao, cây quý, hiếm, mang bản sắc văn hóa địa phương/vùng/miền của tỉnh Hà Tĩnh. Các loài cây được trồng phổ biến, thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu Hà Tĩnh trong thời gian qua như: Keo các loại, Xà cừ, Sấu, Xoài, Sao đen, Bằng lăng, Re hương, Giổi, Lim xanh, Cồng… Ngày 24/12/2024 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời phân bổ (tại Quyết định số 810/QĐ-SNN, Quyết định số 811/QĐ-SNN ngày 24/12/2024) với số lượng hơn 265 nghìn cây giống các loại (Keo, Xà cừ, Sấu, Xoài, Sao đen, Bằng lăng…) cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại 143 xã, phường, đơn vị/12 huyện, thành phố và 02 tổ chức, đơn vị (Trường Đại học Hà Tĩnh, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh).
Song song với việc thực hiện phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, vừa qua Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Văn bản số 7954/UBND-NL4 ngày 25/12/2024 chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025”. Theo đó, UBND tỉnh giao các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh phải thực hiện nghiêm túc trách nhiệm bảo vệ rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp; tập trung kiểm tra, rà soát, xác định các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ xâm hại cao để xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo vệ rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; chủ động lực lượng, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra, thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc; phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 của đơn vị đã được phê duyệt.
UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố, thị xã, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; các chương trình, kế hoạch, văn bản của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh. Nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; chỉ đạo UBND cấp xã, các chủ rừng kiểm tra, rà soát xác định các vùng rừng tự nhiên trọng điểm có nguy cơ xâm hại cao để tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc, tuyệt đối không để rừng bị xâm hại. Chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát các chủ rừng thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc, nhất là đối với diện tích rừng tự nhiên hiện có; các chương trình, dự án có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp; các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản; bảo vệ động vật hoang dã,..; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật lâm nghiệp. Rà soát các vụ việc còn tồn đọng liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn để tập trung xử lý dứt điểm.
Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của chủ rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp và các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật lâm nghiệp; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ và phát triển rừng, quản lý, bảo vệ động vật hoang dã; trách nhiệm của các cấp, các ngành, chủ rừng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; kịp thời nêu gương những tổ chức, cá nhân làm tốt, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, chống người thi hành công vụ…
Tin bài và ảnh: Nguyễn Văn Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông./.