תפריט ניווט

מוציא לאור של הנכס

Banner trái

Web Counter

מוציא לאור של הנכס

angle-left BÁO CÁO Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh

1. Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, quán triệt, phố biến, học tập và tình hình triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU

Bám sát các chủ trương, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ của Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 424/QĐ-UBND ngày 18/02/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025”, các Kế hoạch Chuyển đổi số hàng năm của UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến Nghị quyết, Đề án đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Sở, qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác Chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay.

- Hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các chuyên gia tổ chức các Hội nghị tập huấn về Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho cán bộ cấp huyện, xã phụ trách nông nghiệp, nông thôn mới, khuyến nông và một số doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại, hộ sản xuất và các đơn vị thuộc Sở với quy mô khoảng 500 người tham gia/lần Hội nghị. Năm 2024, sau Hội nghị đã ký kết Chương trình hợp tác, phối hợp giữa Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh (Chương trình số 01/CTr-TTCĐS&TKNN-SNN ngày 27/02/2024) về công tác chuyển đổi số và công tác thống kê. Qua các cuộc tập huấn, hội nghị đã từng bước nâng cao kiến thức, nhận thức cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người nông dân trên địa bàn tỉnh.  Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời tuyên truyền, triển khai và đôn đốc cán bộ, công chức, viên chức tham gia và hoàn thành các khóa học chuyển đổi số trên Nền tảng học trực tuyến - chuyendoiso.mobiedu.vn theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông. Đến nay 100% học viên theo danh sách đã tham gia học đảm bảo theo quy định.

2. Về công tác xây dựng chương trình, kế hoạch, các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU

Căn cứ Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 424/QĐ-UBND ngày 18/02/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025”, các Kế hoạch Chuyển đổi số hàng năm của UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các Kế hoạch Chuyển đổi số các năm, theo đó, đã phân công nhiệm vụ cụ thể đến các phòng, đơn vị thuộc Sở và tập trung quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ (chi tiết có Phụ lục 01 kèm theo).

3. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết

3.1. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu cơ bản của Nghị quyết (chi tiết có Phụ lục 02 kèm theo)

3.2. Việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết

(1) Việc phát triển cơ sở hạ tầng số và trang thiết bị CNTT:  

Sở Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ đề ra có liên quan tại Kế hoạch số 568/KH-UBND ngày 13/12/2023 của UBND tỉnh về phát triển hạ tầng số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Duy trì vận hành các trang thiết bị CNTT hiện có, chủ động thay mới các thiết bị đã cũ, hoạt động kèm hiệu quả; đã kiểm tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp nâng cấp trang thiết bị CNTT nhằm đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số, nâng cao đảm bảo an toàn, an ninh thông tin,...

Đến nay, đã xây dựng hoàn thành đầu tư nâng cấp, trang bị 01 phòng họp trực tuyến tại Hội trường lớn tầng 1 của Cơ quan Văn phòng Sở và 08 phòng họp trực tuyến tại các đơn vị thuộc Sở, nhất là các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, Ban quản lý các cảng cá đóng trên địa bàn các huyện để kết nối đồng bộ trong toàn ngành. Chi cục Kiểm lâm đã quản lý vận hành, phát huy hiệu quả tốt 04 Camera giám sát, cảnh báo cháy, phát hiện sớm lửa rừng được lắp đặt tại 4 huyện (Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Hương Sơn, Can Lộc) từ năm 2021; năm 2024 đã triển khai lắp đặt 6 camera tại địa bàn 6 huyện (Thạch Hà, Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Nghi Xuân, Can Lộc), đồng thời khâu nối, phối hợp Viện Địa lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam lắp đặt thêm 03 Camera (thị xã Hồng Lĩnh, huyện Lộc Hà, Nghi Xuân). Bên cạnh đó, một số đơn vị cũng đã hoàn thành lắp đặt và đưa vào vận hành hiệu quả thiết bị camerra phục vụ công tác giám sát, theo dõi, bảo vệ rừng, gắn với PCCCR tại các trạm bảo vệ rừng, vùng trọng điểm (Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Khê tại 02 điểm thuộc xã Lộc Yên, Hương Liên; Vườn Quốc gia Vũ Quang tại 2 điểm tại xã Sơn Kim 2, Quang Thọ); Ban Quản lý các Cảng cá và Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá đã hoàn thành lắp đặt và đưa vào vận hành hiệu quả thiết bị camerra giám sát, quản lý tại các cảng, khu neo đậu tránh trú bão, gắn với phục vụ công tác quản lý tàu thuyền ra vào cảng theo IUU, hệ thống thiết bị truyền thanh Internet không dây tại Cảng cá Sửa Sót).

(2) Kết quả phát triển về dữ liệu số và nền tảng số:

Đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở khai thác, vận hành các hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có, tận dụng các cơ sở dự liệu, phầm mềm Trung ương trang cấp phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, thúc đẩy chuyển đổi số. Đến nay, qua rà soát thống kê hiện trạng hiện có khoảng 16 phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành quản lý nhà nước do Trung ương cấp tài khoản nhập liệu và 01 phầm mền xây dựng trước đây và 06 trang Web được xây dựng do các đơn vị quản lý, theo dõi, vận hành. Trong đó, có những hệ thống, phần mềm đã và đang sử dụng có hiệu quả phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của các đơn vị như: Phần mềm cập nhật diễn biến rừng FRMS (gồm 3 phân hệ FRMS destop, FRMS web và FRMS mobile do Cục Kiểm lâm trang cấp; Hệ thống giám sát tàu cá, Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Việt Nam do Tổng cục Thủy sản cấp đưa vào hoạt động từ tháng 7/2016 đến nay; Hệ thống cơ sở dữ liệu đập hồ chứa và phần mềm hỗ trợ ra quyết định điều hành các hồ chứa do Bộ Nông nghiệp và PTNT trao tặng từ tháng 10/2020; Phần mềm kế toán SmartBooks Plus được trang cấp cho 21 đơn vị thuộc Sở từ năm 2018 đến nay; ứng dụng “Hệ thống quản lý hợp tác xã nông nghiệp”, phần mềm Nhật ký sản xuất (FaceFarm) và phần mềm Hợp tác xã (WACA) do Cục Kinh tế hợp tác chủ trì triển khai;  ứng dụng phầm mềm online quanlyhtxnongnghiep.gov.vn và nay là https://gsdgdcrd.vn/ để cập nhật báo cáo số liệu định kỳ về HTX nông nghiệp hàng tháng, quý, năm; ứng dụng CSDL của Cục Trồng trọt về cấp và quản lý mã số vùng trồng trên phần mềm trực tuyến tại địa chỉ https://csdltrongtrot.mard.gov.vn, đến nay trên địa bàn Hà Tĩnh đã có 71 vùng trồng đã được cấp mã số với diện tích 940,48 ha. Sở đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành triển khai kết nối, liên thông các nền tảng dữ liệu số, các hệ thống dùng chung của tỉnh, của Bộ, ngành Trung ương.     

(3) Kết quả phát triển nhân lực chuyển đổi số

Hàng năm, Sở đã rà soát, lập danh sáchcán bộ, công chức, thành viên tổ công tác chuyển đổi số và các đối tượng liên quan tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng số; hàng năm cán bộ, công chức, viên chức và các học viên của Sở đã đăng ký tài khoản tham gia và hoàn thành khóa học chuyển đổi số trên Nền tảng học trực tuyến - chuyendoiso.mobiedu.vn theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông. Đến nay 100% học viên đã tham gia học đảm bảo theo quy định.

(4) Kết quả chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan

- Bám sát Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch số 525/KH-UBND của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã kịp thời ban hành, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số Sở Nông nghiệp và PTNT (Kế hoạch số 86/KH-SNN ngày 14/4/2022, Quyết định số 105/QĐ-SNN ngày 23/3/2023), phân công nhiệm vụ đến các phòng, đơn vị; thành lập, rà soát, kiện toàn Tổ Công tác thực hiện Chuyển đổi số của Sở Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2022-2025 (Quyết định số 226/QĐ-SNN ngày 23/4/2021, Quyết định số 252/QĐ-SNN ngày 24/4/2023, Quyết định số 444/QĐ-SNN ngày 25/7/2023), thành lập Tổ giúp việc tham mưu, triển khai Chuyển đổi số (Quyết định số 253/QĐ-SNN ngày 24/4/2023, Quyết định số 445/QĐ-SNN ngày 25/7/2023). Tổ Công tác, Tổ giúp việc chuyển đổi số của Sở được vận hành và phát huy hiệu quả.

- Đã duy trì, sử dụng phần mềm TD.Office trong quản lý văn bản, đi đến, hồ sơ công hàng ngày của cơ quan, đơn vị; 100% cán bộ lãnh đạo cấp phòng, thủ trưởng các đơn vị và lãnh đạo Sở đã được cấp chữ ký điện tử theo đúng quy định. Triển khai cài đặt ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID và định danh điện tử mức 2 trên VNeID...

- Sở đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính hàng năm theo quy định, thời gian qua đã tập trung cao chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện các nội dung theo kế hoạch. Hướng dẫn các đơn vị thực hiện niêm yết công khai TTHC theo đúng quy định tại Thông tư 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017, kết quả đã thực hiện việc niêm yết công khai đầy đủ 102 TTHC (gồm: 100 TTHC tại Trung tâm hành chính công tỉnh; 2 TTHC đặc thù tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y) theo đúng quy định; 18 TTHC áp dụng UBND cấp huyện, 09 TTHC áp dụng UBND cấp xã. Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết các TTHC thuộc thẩm quyền của Sở thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn quy định; có đầy đủ sổ theo dõi, phiếu nhận, phiếu chuyển, sổ tổng hợp hồ sơ; đồng thời 100% hồ sơ giải quyết thông qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến.

(5) Kết quả việc phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng đô thị thông minh

- Đã phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân ứng dụng thương mại điện tử, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…. Tổ chức khảo sát, kiểm tra, cập nhật tình hình hiện trạng các cơ sở dữ liệu và các mô hình ứng dụng CĐS trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và NTM trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền các tổ chức, cá nhân thực hiện thương mại điện tử ngành nông nghiệp, các sản phẩm OCOP, những sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.. thông qua các đợt giám sát của các Đoàn kiểm tra An toàn thực phẩm, Đoàn giám sát Dư lượng. Đã phối hợp các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 – 2030, đến nay Đề đã được UBND tỉnh phê duyệt (tại Quyết định số 1216/QĐ-UBND ngày 15/5/2024).

- Triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh, gắn với thúc đẩy đô thị thông minh theo Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 04/4/2023 của UBND tỉnh; hướng dẫn, triển khai thực hiện thí điểm “Mô hình xã thương mại điện tử xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh”, đến nay Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp các Sở, ngành liên quan (Sở Khoa học và Công nghệ, Công thương, Tài chính, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh…) tham gia ý kiến thẩm định đối với Bản đề xuất mô hình xây dựng xã thương mại điện tử tại xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh và tổng hợp gửi UBND huyện Kỳ Anh. Hiện nay, huyện Kỳ Anh, UBND xã Kỳ Phú và đơn vị tư vấn đang tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện. Đồng thời, phối hợp tham gia ý kiến về các mô hình thôn thông minh trong xây dựng Nông thôn mới của các huyện, thành phố, thị xã.

(6) Việc bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng

Sở đã ban hành Quy chế quy chế bảo đảm an toàn, an ninh mạng Hệ thống Mạng nội bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại Quyết định số 353/QĐ-SNN ngày 06/6/2023). Năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quy chế bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành của Sở Nông nghiệp và PTNT (Quyết định số 281/QĐ-SNN ngày 23/5/2024).

(7) Các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số tại đơn vị

Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã kịp thời, phối hợp các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện Đề án Chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đến năm 2030 theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 3114/UBND-NL5 ngày 20/6/2023. Đến nay, đã hoàn thành lấy ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã, doanh nghiệp; đồng thời tổ chức các Hội thảo lấy kiến góp ý. Kết quả của Đề án sẽ tạo tiền đề, nền tảng để thực hiện quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn một cách đồng bộ, nhất quán giữa các bên trong chuỗi giá trị nông nghiệp trong phạm vi tỉnh Hà Tĩnh cũng như cả nước.

- Đã triển khai kịp thời các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số DTI của của sở, của tỉnh theo Văn bản 5034/UBND-VX1 ngày 18/9/2023 của UBND tỉnh về việc thực hiện nâng cao chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI), cung cấp các thông tin, số liệu liên quan phục vụ đánh giá DTI 2023 theo Quyết định 922/QĐ-BTTTT ngày 20/5/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

(8) Kết quả kinh phí chi cho ứng dụng CNTT, chuyển đổi số (có Phụ lục 03 kèm theo).

4. Đánh giá chung

a) Ưu điểm

- Thông qua việc tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và các đề án, chương trình, kế hoạch chuyển đổi số hàng năm của UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận thức, kiến thức, sự hiểu biết về chuyển đổi số đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành và các chủ thể, người sản xuất nông nghiệp (HTX, THT, chủ trang trại,...) ngày càng nâng lên, đặc biệt là vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa chuyển đổi số, xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu khách quan, giải pháp trọng tâm thúc đẩy nhanh Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.

- Việc triển khai các nội dung, hoạt động chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn bám sát các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; bắt nhịp kịp thời với lộ trình, kế hoạch triển khai của Trung ương, của tỉnh đảm bảo tính hệ thống thống nhất, đồng bộ từ trên xuống dưới; sử dụng nền tảng, dữ liệu dùng chung, kết nối liên thông với các ngành, địa phương. Bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.

- Sở đã tập trung triển khai tốt các nội dung, giải pháp về chuyển đối số theo Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các chương trình, đề án, kế hoạch chuyển đổi số hàng năm của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh, của Sở đã ban hành, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu thực tế như: về Nhận thức số, Thể chế số (ban hành và triển khai kế hoạch chuyển đổi số, gắn với cải cách hành chính; Hạ tầng số (duy trì vận hành các trang thiết bị CNTT hiện có, chủ động thay mới các thiết bị đã cũ, hoạt động kèm hiệu quả đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số), Dữ liệu số và nền tảng số (khai thác, ứng dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có, tận dụng các cơ sở dự liệu, phầm mềm Trung ương trang cấp...); An ninh thông tin mạng (ban hành các quy chế…), Chính quyền số (duy trì, sử dụng phần mềm TD.Office,…).

- Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tham gia đầy đủ và chặt chẽ trong việc phát triển chính quyền điện tử của tỉnh, các nội dung bao gồm: (1) 100% các cơ quan, đơn vị triển khai chữ ký số; (2) 100% các cơ quan, đơn vị đã thực hiện chữ ký số để giao dịch bảo hiểm, kho bạc; (3) 100% các cơ quan, đơn vị, cán bộ trong ngành xử lý văn bản qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hộp thư điện tử công vụ; (4) trong thời gian vừa qua đã có nhiều ứng dụng đã được Sở triển khai hiệu quả như: Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc TD-Office, kết nối tới 17 đơn vị cấp 2 và 13 đơn vị cấp 3. (http://hscvsnn.hatinh.gov.vn); Hệ thống phần mềm Quản lý đầu việc; Các phần mềm quản lý chuyên ngành: Kế toán, dự toán, quản lý tài sản, quản lý cán bộ công chức, quy hoạch, kế hoạch, quản lý bản đồ, quản lý xây dựng…  

b) Khó khăn, thách thức:

Việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thời gian quan đã được các cấp, các ngành quan tâm, chủ động triển khai với các nội dung, hoạt động cụ thể và đạt một số kết quả bước đầu tích cực, góp phần từng bước thay đổi công tác quản lý nhà nước, nâng cao nhận thức, ý thức của người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã về vai trò, yêu cầu tất yếu của quá trình chuyển đổi số nhằm tăng giá trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trên các sàn giao dịch điện tử. Tuy vậy, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là lĩnh vực rộng lớn, đối tượng chuyển đổi số đa dạng (hiện có trên 77,7% dân số khu vực nông thôn với hàng trăm ngàn hộ nông dân, trên 590 HTX (chiếm gần 60% số HTX toàn tỉnh), hơn 2.270 THT, hàng trăm doanh nghiệp, trang trại sản xuất; trong nội ngành có nhiều mảng, tiểu ngành, lĩnh vực chuyên ngành, đặc thù khác nhau (như trồng trọt và BVTV, chăn nuôi và thú y, thủy sản, Lâm nghiệp, phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới, thủy lợi, nước sạch nông thôn, phòng chống thiên tai, khuyến nông, quản lý chất lượng hàng hóa nông lâm sản và thủy sản,...)

Việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh còn hạn chế và đang đối mặt với nhiều bài toán, khó khăn, thách thức lớn; mặc dù triển khai hoạt động chuyển đổi số cụ thể nhưng mang tính tự phát, chưa có định hướng, lộ trình và giải pháp triển khai toàn diện, bài bản từ tổng thể đến cụ thể theo từng năm và cả giai đoạn, chưa có tính đồng bộ, liên thông với các ngành, địa phương trong tỉnh cũng như với các bộ, ngành Trung ương. Bên cạnh đó, Đề án Chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên việc triển khai ở địa phương còn khó khăn.

5. Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới:

- Tiếp tục chủ động tham mưu, triển khai thực hiện kịp thời các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp về công tác Chuyển đổi số thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 424/QĐ-UBND ngày 18/02/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025”, các Kế hoạch Chuyển đổi số hàng năm của UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành.

- Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoach và quy định về Chuyển đổi số trên các lĩnh vực thuộc ngành; khảo sát, rà soát, đánh giá thực trạng, đề xuất phương án nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng CNTT, thiết bị số và nhu cầu chuyển đổi sổ trong ngành; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số…

- Tiếp tục vận hành, phát huy hiệu quả các hệ thống dữ liệu do Trung ương chuyển giao phục vụ công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; chuẩn hóa dữ liệu thông tin, phục vụ kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; kết nối, chia sẽ thông tin, dữ liệu từ các Bộ, ngành Trung ương phục vụ chỉ đạo điều hành cấp tỉnh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước, phát triển sản xuất nông nghiệp và các phần mềm ứng dụng liên quan khác.

- Tiếp tục hoàn thiện Đề án Chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đến năm 2030, gửi lấy ý kiến của Bộ, ngành Trung ương và các đơn vị liên quan, cập nhật Đề án Chuyển đổi số nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đảm bảo thiết thực, đồng bộ và phát huy hiệu quả.

6. Kiến nghị, đề xuất:

Kính đề nghị Trung ương sớm phê duyệt Đề án Chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để Hà Tĩnh có cơ sở phê duyệt Đề án Chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đến năm 2030 và tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc./.

                              SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

מוציא לאור של הנכס

מוציא לאור של הנכס

מוציא לאור של הנכס