תפריט ניווט

מוציא לאור של הנכס

Banner trái

Web Counter

מוציא לאור של הנכס

angle-left Thời tiết thất thường, người nuôi tôm lo lắng dịch bệnh phát sinh

Thời tiết nắng mưa xen kẻ làm môi trường thay đổi đột ngột, là cơ hội phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi khiến người nuôi tôm trên địa bàn Hà Tĩnh hết sức lo lắng.

Vụ tôm Xuân Hè năm 2024, HTX nuôi trồng thủy sản Hạ Vàng, xã Thạch Hạ thả nuôi hơn 05 ha tôm thẻ chân trắng. Để tôm phát triển tốt trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay, các thành viên HTX đã thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của tôm cũng như sự biến động môi trường nhằm phát hiện những bất trắc có thể xảy ra để kịp thời điều chỉnh và xử lý.

 

Theo kinh nghiệm trong nhiều vụ nuôi tôm của anh Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Hạ Vàng, với tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài trong dài ngày chuyển sang mưa như hiện nay, sẽ làm tôm dễ bị sốc nhiệt, có nguy cơ phát sinh dịch bị bệnh, ảnh hưởng đến năng suất, kích cỡ tôm nuôi. Trong đó, những bệnh thường xuất hiện nhất vẫn là bệnh đốm trắng, bệnh hồng thân, hoại tử cơ và đục cơ. Chính vì thế, việc áp dụng các biện pháp nhằm ổn định các yếu tố môi trường nước để tôm sinh trưởng phát triển luôn được đặt lên hàng đầu.

Hình 1- Người nuôi cần thường xuyên kiểm tra sự sinh trưởng và phát triển tôm nuôi để phát hiện và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

 

“Thời gian này, chúng tôi  đã áp dụng nhiều giải pháp để chăm sóc tôm nuôi như: cho tôm ăn với khẩu phần và chế độ ăn hợp lý theo kích cỡ, mật độ, giảm lượng thức ăn 15 - 30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng và ngừng cho ăn khi trời có mưa; định kỳ 10 - 15 ngày 1 lần bổ sung vitamin C, khoáng vi lượng; Sử dụng men tiêu hóa trộn vào thức ăn, thời gian mỗi đợt từ 5 - 7 ngày để tăng cường sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ; Sử dụng các loại chế phẩm sinh học định kỳ 10 - 15 ngày 1 lần để xử lý nước và đáy ao nuôi. Đặc biệt, mực nước ao nuôi luôn được đảm bảo từ 1,2-1,5m để hạn chế sự biến động nhiệt độ nước, phân tầng nước, nhằm ổn định môi trường để tôm phát triển tốt”. Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Hạ Vàng cho biết thêm.

Đối với tôm nuôi, nhiệt độ để tôm sinh trưởng và phát triển tốt là từ 26-32oC, vì thế khi nhiệt độ quá cao hay quá thấp hoặc biến động đột ngột  sẽ khiến cho tôm dễ bị sốc môi trường, dẫn tới sức khỏe yếu, tạo cơ hội cho dịch bệnh lây nhiễm. Nắng nóng, xuất hiện mưa dông đột ngột, thời tiết oi bức cũng khiến các loại cây cỏ thủy sinh trong ao bị chết, môi trường trở nên phú dưỡng, giúp tảo phát triển mạnh, làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Tại các vùng nuôi khác trên địa bàn Hà Tĩnh, người nuôi tôm cũng chung tâm trạng lo lắng vì thời tiết “ẩm ương”, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của tôm nuôi.

Anh Trương Xuân Thuận - hộ nuôi tôm tại xã Kỳ Hải (Kỳ Anh) chia sẻ: "Cách đây vài ngày, trời đang nắng nóng gay gắt, không khí oi bức thì ngay sau đó đổ mưa dông vào chiều tối khiến nhiều hộ nuôi tại vùng này "mất ăn, mất ngủ". Dịch đốm trắng đã xuất hiện trên địa bàn huyện nên chúng tôi càng thêm lo lắng. Tôm đang ở giai đoạn phát triển nhanh, nếu xẩy ra vấn đề gì sẽ thiệt hại rất lớn nên các hộ nuôi phải thường xuyên túc trực, kiểm tra độ mặn, độ pH; quan sát hình dáng bên ngoài, màu sắc… để điều chỉnh kịp thời nhiệt độ, môi trường nước, lượng thức ăn cho thích hợp”.

Có kinh nghiệm nhiều năm theo nghề nuôi tôm, anh Nguyễn Trung Trọng (xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên) nhận định, thời tiết năm nay “làm khó” người nuôi tôm. Ở giai đoạn sinh trưởng mạnh của tôm, mưa xuất hiện nhiều, hình thái thời tiết nắng gắt xen kẽ mưa dông liên tục xuất hiện. Việc mưa bất chợt làm cho oxy hòa tan trong nước giảm thấp, các khí độc trong ao tăng cao khiến độ pH giảm mạnh, xuất hiện hiện tượng ao nuôi bị sụp tảo đột ngột, sản sinh ra lượng CO2 lớn… làm môi trường ao nuôi bị xáo động, tôm giảm sức đề kháng, dễ bị vi khuẩn, vi-rút tấn công.

Hình 2: Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm công nghệ cao

 

Để giảm thiểu rủi ro do thời tiết bất thuận, hiện nay nhiều cơ sở nuôi tôm thâm canh tại Hà Tĩnh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để làm ao tròn lót bạt đáy nổi trong nhà lưới, xây dựng bể nuôi có mai che, lắp đặt hệ thống bạt che nắng. Đây là những biện pháp để bảo vệ tôm nuôi, hạn chế dịch bệnh đảm bảo cho sự phát triển bình thường của tôm ngay cả khi thời tiết bất lợi xảy ra.

Anh Trần Văn Minh, chủ hộ nuôi tôm tại thôn Xuân Hòa, Thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà) chia sẻ. “Để giảm thấp nhất sự biến động của môi trường nước ao nuôi, tôi phải bỏ ra gần 50 triệu đồng mua lưới về phủ cho cả 2 ao với diện tích hơn 1ha.  Nhờ có nhà lưới, khi nắng nóng nhiệt độ trong ao nuôi có thể giảm 7 – 8oC, khi gặp mưa cũng hạn chế nước mưa vào ao nuôi nên đảm bảo điều kiện cho tôm nuôi phát triển tốt”.

Thực tiễn cho thấy, đối với những hộ nuôi áp dụng công nghệ cao, ao nuôi có mái che sẽ giúp quản lý được môi trường ao nuôi, hạn chế sự biến động, tôm phát triển thuận lợi. Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Tĩnh, hiện nay mới chỉ có khoảng 650 ha, tương ứng gần 30%diện tích nuôi tôm áp dụng công nghệ cao , còn lại phần lớn vẫn là nuôi tôm theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến và bán thâm canh, thâm canh. Nhất là tại các vùng nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, hệ thống hạ tầng cấp thoát nước còn hạn chế, đầu tư cải tạo ao đầm chưa thật sự bài bản nên nguy cơ dịch bệnh xảy ra rất cao và khó kiểm soát.

Hình 3- Người nuôi cần nắm rõ quy trình chăm sóc và xử lý môi trường đảm bảo điều kiện thuận lợi cho tôm phát triển tốt.

 

Tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi chủ lực của Hà Tĩnh, đem lại giá trị kinh tế cao. Vụ tôm Xuân  Hè 2024, toàn tỉnh thả nuôi trên diện tích hơn 2.250 ha. Hiện tôm nuôi đang trong giai đoạn phát triển quan trọng, một số vùng chuẩn bị bước vào thu hoạch trong thời gian tới. Trong khi đó, thời gian tới, tình hình thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp.

Vì vậy, ngành chuyên môn khuyến cáo, người nuôi tôm cần nắm rõ kỹ thuật nuôi và xử lý nguồn nước ổn định trong ao đầm; đồng thời tăng cường nguồn thức ăn giàu Vitamin C để nâng cao sức đề kháng cho tôm. Những vùng đã xuống giống tôm, thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, tránh tình trạng dư thừa, gây ô nhiễm môi trường nước. Ngoài ra, cần định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để tăng cường vi khuẩn có lợi và ổn định môi trường.

Chính quyền địa phương, người nuôi cần triển khai kịp thời, đầy đủ các giải pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh lây lan theo quy định; thực hiện “3 không”: không giấu dịch, không xả nước thải chưa qua xử lý và không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra ngoài môi trường... Khi phát hiện tôm nuôi có hiện tượng bất thường phải báo ngay với cơ quan chuyên môn để xử lý, khống chế kịp thời, không để dịch bệnh lan ra diện rộng.

 

Nguyễn Hoàn

מוציא לאור של הנכס

מוציא לאור של הנכס

מוציא לאור של הנכס