Menu phải
Web Counter
アセットパブリッシャー
Tỉnh Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có bờ biển dài 137km, diện tích biển 18.400km2, với 20 con sông lớn nhỏ đổ ra 4 cửa lạch cùng nhiều hồ đập, sông ngòi tạo nên tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế thuỷ sản. Đặc biệt với 04 cửa sông phân bố khá đều đã tạo ra các bãi triều rộng lớn, thời gian phơi bãi trung bình từ 3-4 giờ/ngày, nền đáy chủ yếu là cát bùn, …phù hợp để phát triển nuôi các đối tượng nhuyễn thể có giá trị kinh tế và xuất khẩu như: Ngao, vẹm xanh, hàu, ốc hương,... Năm 2024, diện tích nuôi nhuyễn thể trên địa bàn tỉnh ta đạt 422 ha, chiếm hơn 15% diện tích nuôi trồng thủy sản mặn lợ, tập trung ở các địa phương: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Thị xã Kỳ Anh, Thành phố Hà Tĩnh. Sản lượng nuôi đạt 3.845 tấn. Chi phí sản xuất các đối tượng này chủ yếu là đầu tư bãi nuôi, giàn bè, giống và nhân công, không phải đầu tư thức ăn nên đây là đối tượng nuôi đem lại lợi nhuận cao cho người dân. Nhiều hộ dân đã giàu lên từ nghề nuôi nhuyễn thể, nhiều Hợp tác xã (HTX) nuôi ngao có hiệu quả là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương như HTX Loan Hoan, HTX NTTS Hùng Thuận, HTX NTTS Thạch Bàn,...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nghề nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh nói chung, nuôi nhuyễn thể nói riêng, hàng năm chịu tác động nặng nề của thời tiết cực đoan (mưa bão, lũ lụt, nắng nóng, sương muối, rét đậm, rét hại,…) gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2025, khu vực phía Bắc sẽ trải qua nhiều đợt rét đậm, rét hại. Khi kết hợp với các yếu tố bất lợi như độ mặn cao, thời gian phơi bãi kéo dài, mật độ nuôi dày, thức ăn tự nhiên giảm và sự xuất hiện của các tác nhân gây bệnh có thể dẫn đến tình trạng chết hàng loạt ở ngao nuôi. Bên cạnh đó, kết quả giám sát vùng nuôi nhuyễn thể năm 2024 của Trung tâm Quan trắc Môi trường và bệnh Thủy sản miền Bắc đã phát hiện ký sinh trùng Perkinsus olseni nhiễm trên ngao, hàu nuôi tại Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình và Quảng Ninh với tỷ lệ từ 25 – 100 % số mẫu phân tích. Đây là tác nhân gây bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và có thể gây ngao, hàu chết hàng loạt khi kết hợp với các yếu tố thời tiết cực đoan.
Để giảm thiểu ảnh hưởng của hiện tượng rét đậm, rét hại và nguy cơ ký sinh trùng Perkinsus olseni gây hại cho ngao, hàu nuôi, xin khuyến cáo bà con thực hiện một số biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh Thủy sản miền Bắc tại Văn bản số 11/TTQT ngày 07/02/2025, cụ thể như sau:
- Đối với vùng nuôi ngao:
+ Với bãi nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm: Tiến hành thu hoạch sớm để tránh rủi ro.
+ Với bãi nuôi chưa đạt kích cỡ thương phẩm: Vệ sinh mặt bãi, san thưa các điểm tập trung mật độ cao, duy trì mật độ nuôi phù hợp (180 - 200 con/m² với cỡ giống 400 - 600 con/kg; dưới 250 con/m² với cỡ nuôi 500 - 800 con/kg; 250 - 350 con/m² với cỡ giống 800 - 2.000 con/kg).
+ Tăng cường kiểm tra hoạt động nuôi, theo dõi biến động thời tiết và chất lượng nước. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường và báo ngay cho cơ quan chức năng.
+ Khi phát hiện ngao chết: Thu gom xác ngao chết để hạn chế ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến khu nuôi khác.
+ Sử dụng giống nuôi đảm bảo chất lượng, kiểm tra tác nhân gây bệnh trước khi thả nuôi.
- Đối với vùng nuôi hàu:
+ Với khu nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm: Tiến hành thu hoạch sớm để tránh rủi ro.
+ Với khu nuôi chưa đạt kích cỡ thương phẩm: Vệ sinh hệ thống nuôi, đảm bảo lưu thông nước và nguồn thức ăn. Kiểm tra và san thưa các điểm nuôi có mật độ dày để hạn chế lây lan khi hàu chết.
+ Tăng cường kiểm tra hàu nuôi, theo dõi biến động thời tiết và chất lượng nước. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường và báo ngay cho cơ quan chức năng.
+ Khi phát hiện hàu chết: Thu gom xác hàu chết để hạn chế ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến khu nuôi khác.
+ Sử dụng giống nuôi đảm bảo chất lượng, kiểm tra tác nhân gây bệnh trước khi thả nuôi.
Khuyến cáo bà con thực hiện đồng bộ các biện pháp nêu trên nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động nuôi ngao, hàu trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt như hiện nay./.
Trần Hương –Chi cục Thủy sản