Menu de Navegação

Publicador de Conteúdos e Mídias

Banner trái

Web Counter

Publicador de Conteúdos e Mídias

angle-left Biến cây dại thành sản phẩm OCOP 3 sao

Với quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế bền vững cho gia đình, chị Lê Thị Thể tại thôn Phượng Sơn, xã Kim Song Trường, (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã thành công với mô hình trồng cà gai leo, nâng tầm cây dược liệu thành sản phẩm OCOP 3 sao, đem lại thu nhập hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn đồi bạt ngàn cây cà gai leo xanh tốt, chị Thể vui vẻ chia sẽ: Vợ chồng chị đã trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng vẫn không thành công như mong đợi. Năm 2019, chị cùng chồng rời quê hương Quỳnh Lưu (Nghệ An) vào Hà Tĩnh lập nghiệp. Sau khi tìm hiểu nhiều nơi, gia đình chị quyết định thuê 4 ha đất nông nghiệp tại xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc để phát triển kinh tế trang trại tổng hợp với các loại cây như cam, ổi và kết hợp chăn nuôi gà, vịt... Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên hàng trăm gốc cây ăn quả và đàn gia súc của gia đình đạt năng suất thấp, gây thua lỗ khiến chị không khỏi lo lắng.

Với kinh nghiệm trồng cà gai leo nhiều năm tại quê nhà Quỳnh Lưu, chị nhận thấy thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây có thể thích hợp phát triển loại cây dược liệu này. Chị mạnh dạn chặt bỏ hết vườn ổi, vườn cam để chuyển sang trồng cây cà gai leo. Tuy nhiên, tại thời điểm này, ở Hà Tĩnh mô hình trồng cà gai leo còn rất lạ lẫm nên khi biết được gia đình chị Thể quyết định chặt bỏ vườn cây ăn quả lâu năm để trồng loại cây được cho là cây dại này, nhiều người đã nói anh chị là “dở hơi”.

Bằng sự quyết tâm, nói là làm, trên diện tích hơn 2 sào, chị Thể đầu tư gần 300 triệu đồng để cải tạo mặt bằng, làm luống, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt … để phát triển vùng dược liệu cà gai leo.Vừa làm, vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, chỉ trong vòng 6 tháng, những cành cà gai leo đã vươn dài, tua tủa phủ kín mặt đất, hoa và quả bắt đầu xuất hiện. Từ 2 sào cây cà gai leo, đến nay, quy mô trồng cà gai leo của gia đình chị Thể đã lên tới hơn 2 ha.

Về cách trồng cây cà gai leo, chị Thể cho biết: Cây cà gai leo ưa sáng, sinh trưởng khỏe, chịu hạn tốt, không chịu được ngập úng, thích hợp với trồng ở đất pha giàu dinh dưỡng nên đất trồng phải đánh luống cao, bón lót phân chuồng, trồng trên đất cằn cỗi cây cũng có thể phát triển được. Sau khi làm luống thì phủ bạt ni lông, lắp đặt hệ thống bét tưới tiết kiệm. Tiếp đó, đục lỗ bạt rồi trồng cây cà gai leo vào. Trong quá trình chăm sóc cây cà gai leo chị không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật mà phòng trừ sâu bệnh bằng các thuốc có nguồn gốc sinh học (thảo mộc, vi sinh), làm cỏ thủ công kết hợp dùng màng nylon phủ luống để giữ ẩm đất, giảm tưới nước, chống xói mòn rửa trôi dinh dưỡng và hạn chế cỏ dại.

Cà gai leo từ khi trồng đến thu hoạch có thời gian 6 tháng, mỗi năm thu hoạch 2 - 3 lứa. Những năm tiếp theo, người trồng cà gai leo không phải đầu tư tiền mua giống bởi cây cho thu hoạch liên tục từ 4-5 năm mới phải thay giống. Nhờ nắm vững kỹ thuật nên vườn cà gai leo của chị Thể lúc nào cũng phát triển tốt. Cà gai leo được các nhân công rửa sạch, phơi khô, cắt nhỏ thành đoạn 3 - 5 cm. Mỗi năm vườn cây dược liệu của gia đình chị Thể đem lại gần vài chục tấn cà gai leo khô. Sản phẩm cà gai leo khô được các thương lái từ Thanh Hóa, Nghệ An đến mua trực tiếp với giá từ 45 - 60 nghìn đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình chị bỏ túi gần nửa tỷ đồng. Nhờ sự phát triển ổn định của cơ sở sản xuất cà gai leo mà chị Thể đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức lương từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng.

Nhận thấy thị trường các sản phẩm thảo dược hỗ trợ sức khỏe hiện nay rất tiềm năng, tuy nhiên sản phẩm cà gai leo khô chưa thể tiện lợi nhất để khách hàng sử dụng và bảo quản, chị Thể trăn trở và quyết tâm tìm hướng đi mới cho cây dược liệu này.

Năm 2023, chị Thể đã mạnh dạn bỏ ra gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng để sản xuất trà túi lọc cà gai leo nhằm tối đa hóa nguồn nguyên liệu sẵn có và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tháng 6/2023, HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Tiến Hiệp được thành lập với 6 thành viên. Đến tháng 3/2024, sản phẩm trà túi lọc cà gai leo Tiến Hiệp được tỉnh Hà Tĩnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.Việc chế biến cà gai leo thương phẩm thành loại trà ngon sẽ đưa cây dược liệu này thành loại đặc sản vùng miền, giúp trang trại khai thác được tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có, chị Thể cho biết.

Sản phẩm chất lượng đảm bảo, bao bì đóng gói bắt mắt nên trà túi lọc cà gai leo của vợ chồng chị Thể được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình, đánh giá cao. Trong 6 tháng đầu năm 2024, HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Tiến Hiệp đã cung cấp ra thị trường hàng trăm hộp sản phẩm, lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.

Ông Nguyễn Quốc Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Song Trường cho biết: mô hình trồng cây cà gai leo của chị Lê Thị Thể đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển đổi thành công cơ cấu giống cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích, đặc biệt là các diện tích vùng đồi hoang hóa, hiệu quả kinh tế thấp như ở địa phương hiện nay. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, đồng hành cùng bà con nông dân phát triển bền vững cây dược liệu này”.

Cây cà gai leo có tên khoa học Solanum hainanense, dân gian hay gọi là cà quánh. Cà gai leo thuộc họ cây leo nhỏ, cành non tỏa rộng, phủ lông hình sao và có nhiều gai. Theo kinh nghiệm dân gian, cà gai leo được dùng làm thuốc chống viêm, chữa phong thấp, chống u và có tác dụng giải rượu. Tác dụng của cây cà gai leo đã được nhiều công trình khoa học chứng minh, nó là thảo dược có tác dụng rất hiệu quả trong điều trị viêm gan virus, hạ men gan, xơ gan, giải độc gan. Do đó, cây cà gai leo đã được nhiều công ty dược liệu ứng dụng thành công vào phát triển các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh về gan.

 

Ánh Nguyệt

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh

Publicador de Conteúdos e Mídias

Publicador de Conteúdos e Mídias

Publicador de Conteúdos e Mídias