Menu phải
Web Counter
Xuất bản thông tin
Nhờ dám nghĩ, dám làm trong lựa chọn, thực hiện mô hình kinh tế phù hợp, mang lại hiệu quả cao, anh Nguyễn Đình Bình ở thôn Minh Đình, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà đã vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.
Trước đây, gia đình anh Nguyễn Đình Bình thuộc diện hộ nghèo, nguồn thu nhập bấp bênh khi chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, để cải thiện thu nhập gia đình, anh Bình cũng từng làm nhiều nghề khác nhau nhưng cuộc sống cũng không có nhiều khởi sức. Tuy nhiên gia đình anh vẫn không bỏ cuộc, vừa làm nhiều nghề để mưu sinh vừa tìm tòi phương thức làm ăn mới và trong một lần vô tình đọc báo thấy mô hình nuôi ếch đang được nhiều nơi áp dụng mang lại hiệu quả nên anh Bình đã tìm hiểu, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nuôi ếch. Đồng thời anh cũng tìm hiểu thị trường tiêu thụ và nhận thấy nuôi ếch Thái Lan có khả năng sinh sản và phát triển tốt hơn so với ếch của Việt Nam.
Sau khi đã tìm hiểu kỹ về kỹ thuật nuôi, tận dụng diện tích mặt ao sẵn có cùng với số vốn ít ỏi, năm 2020 gia đình anh Bình đã vay thêm tiền ngân hàng tiến hành cải tạo ao nuôi và mua con giống, bắt đầu thả nuôi 2000 con ếch thương phẩm. Tuy nhiên, do đang thiếu kinh nghiệm, quá trình nuôi trong ao đất khó xử lý được nguồn nước sạch đảm bảo nên việc nuôi ếch Thái Lan của gia đình anh Bình vẫn còn gặp nhiều khó khăn và trở ngại, ếch bị chết nhiều, ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch. Không nản chí, với diện tích 1500m2 vườn nhà, gia đình anh quyết định xây một số bể xi măng, phần còn lại, để giảm chi phí, gia đình anh làm thêm các bể bằng bạt và nuôi 400 con ếch sinh sản để có nguồn giống quay vòng. Sau thời gian chăm sóc dưới sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Thạch Hà, anh nhận thấy nuôi ếch Thái Lan trong bể, bạt đạt hiệu quả cao hơn so với nuôi trong ao đất bởi người nuôi có thể dễ dàng theo dõi ếch hằng ngày, nhờ vậy sẽ sớm phát hiện dịch bệnh và các tình trạng bất thường của ếch. Bên cạnh đó, nuôi trong bể bạt sẽ dễ thay nước thường xuyên nên nguồn nước sạch luôn được đảm bảo, hạn chế được dịch bệnh cho ếch. Với 400 con ếch sinh sản ban đầu, trong năm 2021, anh Bình đã có 8 vạn con ếch giống. Để đảm bảo mật độ nuôi phù hợp với diện tích, gia đình đã bán 4 vạn con giống cho các thương lái và chỉ nuôi 4 vạn con còn lại, sau thời gian 3 - 4 tháng đã cho thu hoạch 4 tấn ếch thịt thương phẩm.
Anh Bình chia sẻ: Nuôi ếch trong bể giúp người nuôi dễ phát hiện và khống chế dịch bệnh, không lây sang các bể khác nên nếu có thiệt hại thì cũng không đáng kể, bên cạnh đó, việc chăm sóc, cho ếch ăn cũng dễ dàng hơn. Đặc biệt, trên mỗi bể nuôi được phủ lưới che giúp ếch giữ ấm vào mùa đông và mát về mùa hè. Đối với người nuôi ếch, việc đảm bảo môi trường sống tốt sẽ giúp hạn chế những thiệt hại về dịch bệnh, tăng năng suất và sản lượng ếch lên rất nhiều.
Cũng theo anh Bình, nuôi ếch Thái Lan ít tốn thức ăn, việc chăm sóc ếch cũng khá đơn giản, nuôi thả đồng lứa và chỉ cần lưu ý một số bệnh thường gặp như bệnh đường ruột, trướng hơi. Thức ăn của ếch có thể dùng bột cám, bột ngô, bột viên tổng hợp... Để phòng bệnh cho ếch người nuôi phải xử lý nước thường xuyên mỗi ngày, tuyệt đối không để nước quá bẩn sẽ khiến cho ếch dễ bị dịch bệnh.
Sau khi có đủ kinh nghiệm chăm sóc ếch và nhận thấy ếch là đối tượng có thể giúp gia đình anh thoát nghèo, vươn lên làm giàu nên gia đình anh tiếp tục mở rộng diện tích nuôi và đến nay mô hình nuôi ếch của anh Bình đang có gần 5 vạn con, trong đó, chủ yếu là ếch thịt. Khi quy mô được tăng lên thì phải tính đến thị trường tiêu thụ, trước đây anh bán cho các thương lái trong tỉnh và bán lẻ cho một số người dân có nhu cầu. Để tăng khả năng tiêu thụ anh Bình đã tìm hiểu, liên hệ nhiều nơi bán khác nhau ở trong và ngoài tỉnh và đến nay thị trường tiêu thụ ếch của gia đình anh Bình khá đa dạng. Ngoài việc xuất bán trong tỉnh, ếch của gia đình anh còn được bán cho nhiều thương lái ở miền Bắc và Nghệ An, Quảng Bình. Khi trọng lượng ếch đạt từ 250g - 300g/con thì thương lái từ các tỉnh đến tận nhà để thu mua, trung bình mỗi năm, gia đình anh Bình xuất bán khoảng 10 tấn ếch thịt với giá ếch từ 55.000 - 60.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí đem lại lợi nhuận khoảng gần 250 triệu đồng. Hiện gia đình anh không chỉ cung cấp nguồn thịt ếch thương phẩm mà còn cung cấp nguồn con giống ra thị trường với giá bình quân của ếch giống hiện nay dao động từ 1000 - 2000 đồng/con. Sau hơn 4 năm nuôi ếch, gia đình anh Bình từ một hộ nghèo của thôn đã vươn lên khá giả với mức thu nhập trung bình mỗi tháng gần 20 triệu đồng.,đây là con số mà trước đây anh Bình không bao giờ dám nghĩ tới.
Thời gian tới, anh Bình dự định sẽ mở rộng mô hình, triển khai san lấp khu đất gần nhà để xây thêm bể nuôi ếch và áp dụng tiến bộ kỹ thuật để có sản phẩm ếch sạch cung cấp cho thị trường. Có thể nói, ngoài việc tạo nguồn thu nhập cao cho gia đình, mô hình nuôi ếch Thái Lan trong bể của gia đình anh đã và đang mở ra một hướng đi mới giúp người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đồng thời, tạo nên diện mạo mới cho việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Đặng Thị Thuận