导航菜单

资源发布器

Banner trái

Web Counter

资源发布器

angle-left Hiệu quả bước đầu của một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua

Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã kịp thời phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương chủ động tham mưu triển khai, lồng ghép các chương trình, chính sách để xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Đến nay, tổng diện tích sản xuất hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh đạt 384,95ha (trong đó có 93,52ha đạt chứng nhận hữu cơ và 291,43ha đang thực hiện theo hữu cơ) trên các đối tượng cây trồng như: Lúa, dưa hấu, cam, bưởi, hồng; có 22 mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ[1]; hình thành một số mô hình sản xuất kết hợp thủy sản - cây trồng hữu cơ với diện tích 156,13ha.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn theo hướng bền vững, Sở Nông nghiệp và PTNT đã kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Riêng liên kết với Tập đoàn Quế Lâm đã có 09 huyện ký kết Biên bản hợp tác sản xuất hữu cơ[2], bước đầu đã xây dựng được 22 mô hình chăn nuôi lợn, 66,8ha lúa và cây ăn quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo quy trình sản xuất của Tập đoàn Quế Lâm gắn với hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Đã xây dựng 04 cơ sở kinh doanh và giới thiệu các sản phẩm hữu cơ ở các huyện (Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Can Lộc) với đa dạng các mặt hàng nông sản như: Gạo, thịt lợn, bánh đa, các loại trái cây (cam, bưởi, ổi, dưa hấu...). Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp khác cũng tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ (Công ty Cổ phần ECO NUTRIENTS Miền Trung, Công ty CP Nano Industry Đăng Quang đã triển khai mô hình ứng dụng phân bón hữu cơ; Công ty Hòa Lạc EIC liên kết sản xuất lúa hữu cơ…)

Căn cứ các định hướng, chủ trương của Trung ương tại Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ, Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030, Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 và kết quả đánh giá bước đầu sản xuất hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024-2030 (tại Quyết định số 1216/QĐ-UBND ngày 15/5/2024). Đến nay, sau khi Đề án được ban hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chuyên môn đã và đang chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Các địa phương đã và đang tích cực xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai Đề án của tỉnh. Các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đã và đang tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh theo định hướng của Đề án.

Bên cạnh đó, thực hiện các chủ trương, định hướng của Trung ương và Đề án nông nghiệp hữu cơ của tỉnh, Quyết định số 2086/QĐ-UBND ngày 24/10/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2023 – 2025 và các Kế hoạch Khuyến nông hàng năm được phê duyệt. Trong 02 năm từ 2023 – 2024, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã tích cực tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt các mô hình phát triển sản xuất hữu cơ gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, mô hình tuần hoàn. Các phòng, đơn vị chuyên môn các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp kịp thời với Trung tâm Khuyến nông tổ chức, hướng dẫn người dân trong việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn theo hướng bền vững. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bước đầu đã tạo những chuyển biến tích cực trong nhận thức, tư duy của người dân về sản xuất hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, qua đó đại đa số người dân đã tích cực hưởng ứng, đồng hành, tham gia nhiệt tình. Từ năm 2023 – 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã bước đầu triển khai thực hiện 06 mô hình sản xuất hữu cơ trên các đối tượng bưởi Phúc Trạch, cam chanh và cây lúa và chăn nuôi lợn:

1. Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp (quy mô 5ha, 20 hộ hộ tham gia, tại xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên):

Trung tâm Khuyến nông đã tiến hành lựa chọn vùng lúa sản xuất tập trung; tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật các biện pháp trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, thành lập THT sản xuất lúa để kết nối với doanh nghiệp cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm; phối hợp Công ty CP tư vấn chứng nhận Quốc tế ICERT CENTRAL lấy mẫu đất, nước, sản phẩm phân tích các chỉ tiêu theo quy định; phối hợp với Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận TQC CGLOBAL theo dõi đánh giá và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm trồng trọt đạt tiêu chuẩn hữu cơ cho THT sản xuất lúa hữu cơ thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, phối hợp với Công ty cổ phần Hòa Lạc IEC bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường 3.000 đồng/kg. Năng suất lúa đạt 62 tạ/ha; hiệu quả kinh tế tăng gần 20% so với sản xuất thông thường của nông dân.

2. Mô hình sản xuất bưởi Phúc Trạch theo tiêu chuẩn hữu cơ (q uy mô 4ha, 11 hộ tham gia, tại xã Hương Trạch, huyện Hương Khê):

Trung tâm đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND xã Hương Trạch lựa chọn địa điểm triển khai mô hình; hướng dẫn, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về sản xuất bưởi Phúc Trạch đạt tiêu chuẩn hữu cơ; năm 2023 cấp Giấy chứng nhận chuyển đổi hữu cơ năm thứ nhất, năm 2024 cấp Giấy chứng nhận chuyển đổi hữu cơ năm thứ hai cho THT sản xuất Bưởi Phúc Trạch hữu cơ thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch. Cây bưởi sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất bưởi bình quân các vườn đạt 10,29 tấn/ha tương đương với năng suất đại trà nhưng giá bán cao hơn 5-10%. Toàn bộ sản phẩm trong mô hình được Công ty TNHH Thực Phẩm Sạch Biggreen, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sơn Nguyên thu mua.

3. Mô hình sản xuất cam theo tiêu chuẩn hữu cơ, gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp (quy mô 3 ha; 3 hộ tham gia, tại xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang):

Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, UBND xã Đức Lĩnh lựa chọn địa điểm triển khai mô hình; hướng dẫn, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về sản xuất cam theo tiêu chuẩn hữu cơ cho các hộ dân tham gia mô hình và các hộ dân khác trong vùng; tư vấn hướng dẫn, phân tích mẫu đất, nước, đánh giá các vườn cam; cấp Giấy chứng nhận chuyển đổi hữu cơ năm thứ nhất cho THT sản xuất cam hữu cơ Thanh Bình. Cây cam sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cam đạt 7,55 tấn/ha; lợi nhuận tăng thêm khoảng 24,6% so với sản xuất thông thường. Sản phẩm trong mô hình sẽ tiêu thụ tại các siêu thị và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sơn Nguyên.

4. Đề tài nghiên cứu, xây dựng quy trình chuyển đổi sản xuất cam chanh, bưởi Phúc Trạch đạt tiêu chuẩn hữu cơ tại Hà Tĩnh (q uy mô 2 ha, tại Trại thực nghiệm giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp Truông Bát, xã Hà Linh, huyện Hương Khê)

Sau 03 năm triển khai thực hiện (từ năm 2021 – 2023), Đề tài đã cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ cho 0,5 ha bưởi Phúc Trạch, 1,5 ha Cam chanh; đồng thời ban hành Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cây cam chanh, bưởi Phúc Trạch theo tiêu chuẩn hữu cơ làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn áp dụng vào sản xuất.

5. Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng tuần hoàn, đạt tiêu chuẩn VietGAHP (q uy mô 50 con, tại xã Thạch Đài, Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà; thời gian thực hiện: 2023, 2024):

          Qua theo dõi đánh giá, Mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng tuần hoàn đã giúp người chăn nuôi nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt, tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp, giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, giảm phát thải đầu ra; nuôi lợn trên nền có đệm lót sinh học giúp phân hủy chất thải của lợn, giảm mùi hôi, giúp bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không gian sống cho người và vật nuôi. Chăn nuôi lợn thịt theo hướng tuần hoàn tạo ra chu kỳ khép kín giữa các ngành khác nhau như: chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường, giảm rủi ro bệnh tật; đồng thời tạo ra sản phẩm thịt lợn an toàn, chất lượng.

6. Triển khai các mô hình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS

Chi hội Nông nghiệp hữu cơ và Ban Điều phối PGS Hà Tĩnh được thành lập năm 2023 với các thành phần tham gia gồm: Trung tâm Khuyến nông, Văn phòng đại diện GIZ tại Hà Nôi, UBND xã Hương Trạch, UBND thị trấn Đồng Lộc, chuỗi của hành Sơn Nguyên, HTX Nhật Hằng, HTX Thảo Vân, Cửa hàng thực phẩm Luận Thắng, đại diện hộ dân và người tiêu dùng. Sau khi thành lập Chi hội đã hướng dẫn tổ chức sản xuất, giám sát, đánh giá và cấp chứng nhận chuyển đổi hữu cơ PGS cho 4 nhóm nông dân sản xuất bưởi Phúc Trạch tại xã Hương Trạch, huyện Hương Khê với diện tích 17ha và 11,5 ha cây ăn quả hỗn hợp của HTX cây ăn quả Đồi Núi tại thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc.

* Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong công tác khuyến nông Hà Tĩnh thì cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

- Tiếp tục chỉ đạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng Đề án“Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024-2030”, các chủ trương chính sách của trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn để tạo chuyển biến căn bản nhận thức của cả hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, từng bước thay đổi nhận thức về sản xuất truyền thống, tiến đến nền nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, an toàn, bền vững, có lợi cho người sản xuất, doanh nghiệp và môi trường sinh thái. Phổ biến rộng rãi các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đã triển khai thành công để người dân biết, tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm để nhân rộng, triển khai.

- Tiếp tục kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng triển khai có hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương theo hình thức khép kín từ cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào đến ứng dụng khoa học trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương, thông qua chương trình, kế hoạch khuyến nông hàng năm và lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng, nhân rộng các mô hình.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, phục vụ cho mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, đồng thời khuyến khích sự hợp tác, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm.

- Xúc tiến hỗ trợ liên kết tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp, hộ nông dân tham gia. Xây dựng, duy trì uy tín, chất lượng và an toàn của các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, đáp ứng nhu cầu và sự tin tưởng của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, tham gia và mở rộng các thị trường./.

                Tin bài: Nguyễn Văn Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh.

 

[1] 20 mô hình lợn, 01 mô hình gà, 01 mô hình bò, quy mô tổng đàn lợn nái 126 con/năm, sản xuất hàng năm 2.400 con lợn thịt, gà ri hữu cơ (40 con), bò vàng hữu cơ (03 con).

[2] 09 huyện đã ký kết Biên bản hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Lộc Hà, Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Nghi Xuân, Hương Khê.

资源发布器