Menu phải
Web Counter
资源发布器
Trở về quê hương sau nhiều năm bôn ba xuất ngoại, anh Lê Văn Duẩn, xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh đã trăn trở tìm ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình. Ý tưởng khởi nghiệp từ bánh đa vừng ra đời và sau nhiều năm, anh đã thành công.
H1:Cơ sở sản xuất sản xuất, chế biến bánh đa vừng của HTX Nguyên Lâm
Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất sản xuất, chế biến bánh đa vừng của HTX Nguyên Lâm khi anh Duẩn và công nhân đang tất bật đóng hàng để chuẩn bị kịp cho các đơn hàng. Anh Duẩn cho biết: Năm 2009, với mong muốn thay đổi cuộc sống và làm giàu, anh cũng như nhiều thanh niên trong xã Kỳ Giang đã lựa chọn con đường xuất khẩu lao động. Sang Đài Loan gần 10 năm, thu nhập ổn định nhưng anh luôn trăn trở và mong muốn quay về lập nghiệp trên quê hương của mình.
Anh Duẩn tâm sự: Cả tuổi thơ đã chứng kiến cảnh bà con lam lũ trên đồng ruộng làm ra hạt gạo, hạt vừng rồi vất vả xay bột, mướt mồ hôi tráng từng chiếc bánh, gánh bánh đi chợ bán lẻ. Chưa kể còn lệ thuộc vào thời tiết. Trời nắng không nói làm gì, hôm trời mưa là coi như treo lò vì làm sao phơi bánh khô được. Anh muốn thay đổi cách làm bánh thủ công đó. Nên sau khi về quê hương, anh quyết tâm khởi nghiệp từ chính sản phẩm trên quê hương của mình.
Nói là làm, năm 2018, anh dùng hết vốn liếng sau 10 năm đi lao động tại Đài Loan để đầu tư máy móc, nhà xưởng và xắn tay hiện thực hóa khát vọng khởi nghiệp với sản phẩm bánh đa vừng, một thứ đặc sản quê hương mà cũng là món quà gắn liền với tuổi thơ của anh và bao đứa trẻ quê mình. Thay cho việc đắp lò đất, đốt củi tráng bánh, anh mượn đất mở nhà xưởng, thuê thiết kế dây chuyền máy móc sản xuất bánh đa. Tất cả công đoạn từ chuẩn bị bột cho đến tráng bánh đều tự động hóa.
Thời điểm khởi đầu anh Duẩn gặp nhiều khó khăn do bánh đa là sản phẩm có từ lâu ở địa phương nhưng chưa ai phát triển lớn được. Sản xuất được bánh, nhưng tiêu thụ được không? Và tiêu thụ như thế nào là cả một vấn đề lúc đó.Tuy nhiên, mọi khó khăn không làm nản chí người thanh niên này.
Anh Duẩn kể: Để khách hàng biết đến sản phẩm, thời gian đầu khi mới sản xuất, anh phải mang từng chiếc bánh đi vào các nhà hàng, quán ăn để tiếp thị. Anh mời khách hàng trải nghiệm sản phẩm và xin đánh giá phản hồi của họ. Từ chỗ dùng thử, khách hàng đã sử dụng sản phẩm của anh nhiều hơn.
H2: Cơ sở sản xuất bánh đa vừng Nguyên Lâm tạo công việc ổn định cho gần 22 công nhân trên địa bàn, với mức lương 7-8 triệu đồng/tháng/người.
Nhờ tuân thủ quy trình nghiêm ngặt trong sản xuất, đảm bảo về chất lượng và ngày càng hoàn thiện về hình thức, mẫu mã. Năm 2020, sản phẩm bánh đa vừng của anh đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Từ đó, sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm được nhiều người biết đến hơn.
“Tiếng lành đồn xa”, đơn hàng ngày càng nhiều, nhu cầu sản xuất tăng cao cũng đặt ra các vấn đề mới về quy mô, hệ thống máy móc... Năm 2021, anh quyết định góp vốn với 7 người khác thành lập HTX Sản xuất thương mại và Dịch vụ Nguyên Lâm (đến nay, HTX đã có 10 thành viên), với số vốn hơn 600 triệu đồng mua sắm máy móc, trang thiết bị như: máy nướng, máy xay bột, máy làm bánh…
Theo chia sẽ của anh Duẩn: Sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm được kế thừa truyền thống hàng trăm năm với nguyên liệu chính để làm nên sản phẩm là gạo và vừng. Để làm nên chiếc bánh, HTX Nguyên Lâm đã tuân thủ quy trình tuyển chọn khá nghiêm ngặt. Gạo, vừng được lựa chọn từ những cánh đồng hữu cơ, đảm bảo không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Để có được một chiếc bánh đa vừng ngon đòi hỏi rất nhiều công đoạn. Gạo sau khi được lựa chọn sẽ được ngâm nước cho đến khi có vị chua và căng tròn rồi vớt ra để ráo. Sau đó, tiến hành xay gạo thật nhuyễn và hòa với nước để tạo thành hỗn hợp bột mịn. Ngoài nguyên liệu chính là gạo và vừng được xay trộn với tỷ lệ nhất định, bánh đa Nguyên Lâm tạo nên sự khác biệt bởi một số gia vị đi kèm như: muối, tỏi, tiêu trộn đều với gạo, vừng trước khi tráng bánh.
Sau khi khẳng định được chất lượng và thương hiệu của bánh đa vừng Nguyên Lâm. Anh bắt đầu tìm đối tác và hướng đưa bánh đa vừng xuất ngoại. Sau nhiều lần liên hệ, anh đã tìm được đối tác đến từ Nhật Bản. Vượt qua quy trình kiểm định gắt gao của đối tác, sản phẩm của anh đã chinh phục được đối tác ở thị trường khó tính này. Năm 2021, HTX Nguyên Lâm xuất khẩu lô hàng lần đầu tiên với 64.000 chiếc bánh đa vừng sang thị trường Nhật Bản. Sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch nên thị trường luôn ổn định, nhận nhiều phản hồi tích cực. Đến tháng 10/2023, anh Duẩn mở rộng sang thị trường Nga và đến năm 2024, bánh đa vừng được xuất khẩu sang thị trường nước Anh.
H3: Bánh đa vừng Nguyên Lâm được khách hàng rất ưa chuộng
Để thành công như ngày hôm nay, anh Duẩn luôn kiên định với mục tiêu của mình. Anh đã tìm tòi học hỏi và biết vận dụng công nghệ số vào sản xuất, quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm và kết nối đối tác. Theo đó, anh thường xuyên quảng bá hình ảnh sản phẩm trên các nền tảng xã hội như facebook, tiktok, zalo….
“Từ đầu năm 2024 đến nay, HTX Nguyên Lâm đã tiêu thụ hơn 3,5 triệu bánh với doanh thu trên 7 tỷ đồng; trong đó 20% sản phẩm được xuất đi Nhật Bản, Nga và Anh, mang về nguồn thu 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 22 lao động tại địa phương với mức lương từ 7-8 triệu đồng/tháng. Từ nay đến cuối năm, HTX tập trung tiêu thụ nội địa với sản lượng 0,5 triệu bánh. Tháng 9/2024, bánh đa vừng Nguyên Lâm được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao”, anh Duẩn cho biết.
Ông Ngô Đình Long, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết: “Sau khi đạt chuẩn OCOP, sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm cũng như nhiều sản phẩm OCOP khác được khẳng định về chất lượng và được giới thiệu, quảng bá trên các kênh thông tin chính thống của tỉnh. Điều này thể hiện vai trò kiến tạo, hỗ trợ của Nhà nước đối với việc phát triển sản phẩm OCOP. Việc tiếp cận, đưa sản phẩm bánh đa vừng vào thị trường nước ngoài đánh dấu bước tiến quan trọng không chỉ riêng đối với HTX Nguyên Lâm mà còn là tiền đề, hướng mở để nhiều cơ sở sản xuất có các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của Hà Tĩnh học tập, tìm cơ hội cho sản phẩm của mình vươn xa.”
Ánh Nguyệt
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh