Menu phải
Web Counter
资源发布器
Nhạy bén nắm bắt các tiến bộ khoa học kỹ thuật đó là sự đam mê của các hộ dân dám nghĩ, dám làm trong phong trào thi đua phát triển kinh tế trang trại tại chi Hội huyện Hương Khê đã trở thành những động lực cho các hộ gia đình vươn lên làm giàu từ các mô hình trang trại phát huy những lợi thế của địa phương.
Là huyện miền núi nằm cuối dãi đất của Hà Tĩnh tiếp giáp với Lào là vùng đất luôn phải đối mặt với nhiều thiên tai nắng nóng, lũ lụt, tiềm ẩn của dịch bệnh xẩy ra, phần nào đã ảnh hưởng đến phát triển nền kinh tế, xã hội của địa phương. Trong những năm qua được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền và tổ chức Hội Nông dân các cấp Hội đã thúc đẩy mạnh mẽ về công tác tuyên truyền đào tạo tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và hỗ trợ khai thác các nguồn vốn giúp hội viên nông dân đầu tư sản xuất, kinh doanh luôn được các cấp Hội quan tâm và định hướng để phát triển, tạo việc làm phù hợp với xu thế phát triển bền vững, đặc biệt là nhờ sự đổi mới tư duy và nỗ lực vượt khó, ý chí vươn lên làm giàu của người nông dân nơi đây đã xuất hiện hàng trăm mô hình kinh tế phát triển nông nghiệp có hiệu quả.
Trong đó phải kể đến mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh Phạm Hùng Sơn, thôn Phú Bình, xã Phú Gia, huyện Hương Khê. Không bằng lòng với cuộc sống nông nghiệp truyền thống cấy lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ, vợ chồng anh Sơn luôn xoay xở tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. Anh Sơn cho biết: Sau nhiều năm băn khoăn trăn trở, tự hỏi tại sao ngay tại quê hương mình có tiềm năng và lợi thế điều kiện tự nhiên đất đai mà không vươn lên làm giàu được, năm 2014 “Gia đình quyết định vào đây lập nghiệp, khởi nghiệp với số vốn ít ỏi nên anh gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng, nhờ sự thúc đẩy động viên tinh thần của Hội nông dân huyện đã giúp anh quyết tâm thực hiện ước mơ đầu tư, xây dựng làm kinh tế trang trại tổng hợp. Đến nay với diện tích 3 ha đất được quy hoạch, 2 dãy chuồng lợn nuôi liên kết với Tập đoàn CP Thái Lan, với quy mô 1.200 con lợn/lứa, mỗi năm gia đình anh nuôi 2 lứa, cho doanh thu 1 tỷ đồng/năm”.
Theo kinh nghiệm của anh thành công trong nhiều năm qua thì người chăn nuôi phải nắm rõ chu kỳ phát triển của đàn lợn, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng quanh khu vực chăn nuôi, chuồng nuôi phải thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông và có hệ thống làm mát khi nhiệt độ quá cao, bố trí nơi nuôi lợn cách ly, bổ sung các chế phẩm sinh học vào thức ăn và xử lý chất thải trong chăn nuôi, làm tốt công tác kiểm soát ra vào trang trại…Đây là những điều kiện quyết định đến việc kiểm soát an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt.
Qua bao nhiêu năm vất vả, lăn lộn, hiện tại trang trại của anh đã đầu tư xây dựng quy hoạch một cách bài bản, từ nguồn vốn tích lũy được sau gần 10 năm duy trì phát triển mô hình chăn nuôi lợn liên kết, đến nay gia đình đã đầu tư phát triển thêm 1,3 ha ao hồ làm dịch vụ cho thuê câu cá, với giá dịch vụ mỗi lần câu từ 100.000 – 150.000đồng/buổi, trồng 300 gốc cam, bưởi. Đồng thời, mở rộng đầu tư 3,5 ha cây gió trầm, 5 ha cây bạch đàn cao sản trồng tại thôn Phú Lâm và 17 ha cây keo, tràm 4 năm tuổi được trồng tại xã Phúc Trạch. Tổng thu nhập của gia đình hơn 1,5 tỷ đồng/năm. Mô hình kinh tế trang trại của gia đình đã giải quyết việc làm ổn định cho 4 nhân công lao động tại địa phương với mức lương từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng.
Trải qua rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những ngày đầu khi chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt nên gặp không ít rủi ro, có lúc thất bại. Tuy nhiên, với sự cố gắng, nổ lực không ngừng nghĩ cùng những lần thất bại đó đã cho anh tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn trong quá trình làm kinh tế trang trại để giúp anh có được thành công như ngày hôm nay.
Thao tác kỹ thuật để cấy tạo trầm trên cây Dó
Tập đoàn CP Thái Lan phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra trang trại của gia đình anh Sơn
Anh Bùi Xuân Thế - Chủ tịch Hội nông dân xã cho biết trang trại tổng hợp của anh Phạm Hùng Sơn là một trong những điển hình về phát triển kinh tế tổng hợp của địa phương. Với những kinh nghiệm có được anh luôn sẵn sàng chia sẽ kinh nghiệm cho các hộ dân xung quanh. Góp phần vào công cuộc đổi mới trong phong trào thi đua làm kinh tế giỏi thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi xã nhà ngày càng phát triển bền vững./.
Nguyễn Thị Lý
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh